HOẠT ĐỘNG KHÁC

Bàn giải pháp tăng sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố
Ngày đăng 13/12/2023 | 3:57 PM  | View count: 3405

Sáng ngày 13/12/2023, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội”. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải - Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Thành phố; Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh chủ trì hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh chủ trì hội thảo

Tham dự hội thảo có Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng; đại diện lãnh đạo các ban Đảng của Thành ủy, các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố cùng một số chuyên gia, nhà khoa học…

Làm rõ mặt mạnh cần phát huy, mặt yếu cần khắc phục

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh khẳng định, những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được Thành phố xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt, điều hành toàn diện, đồng bộ các nội dung CCHC, từ cải cách thể chế, thủ tục hành chính đến cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Từ năm 2019 đến nay, việc triển khai khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố (30 quận, huyện và 22 sở, ngành) được Hà Nội triển khai thường xuyên, liên tục. Thông qua đó, các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc Thành phố nắm bắt được nhu cầu, kỳ vọng của người dân để có những giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung cấp dịch vụ của mình nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân và tổ chức.

Có nhiều phương pháp, cách thức, công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, trong đó, Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công. Hội thảo do UBND Thành phố chủ trì, giao Sở Nội vụ và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp thực hiện, nhằm mục tiêu: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành Thành phố trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị; đánh giá thực trạng, phân tích kết quả Chỉ số SIPAS của Thành phố những năm gần đây; làm rõ mặt mạnh cần phát huy, mặt yếu cần khắc phục và chỉ ra nguyên nhân những tồn tại gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị. “Thông qua các tham luận tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng báo cáo, kiến nghị, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố để chỉ đạo, điều hành. Đồng thời phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân vào quá trình thực thi và giám sát việc thực thi chính sách, góp phần đẩy mạnh, nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô thời gian tới”- ông Cảnh khẳng định.

SIPAS của Thành phố đạt cao, nhưng chưa có sự ổn định, đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị

          Đánh giá về Chỉ số SIPAS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho rằng, Chỉ số này của Thành phố đạt khá cao, được cải thiện qua từng năm 2020-2022, trong đó năm 2022 tại khối sở và khối huyện đều đạt trên 90%. Tuy nhiên, dù SIPAS của Thành phố đạt cao, nhưng chưa có sự ổn định, đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị. Kết quả khảo sát chỉ số này hằng năm tại một số đơn vị vẫn chưa phản ánh đầy đủ, sát thực trạng, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước cũng như sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết thủ tục hành chính. “Có nơi, có lúc người dân còn khó tiếp cận dịch vụ; thái độ làm việc của cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm; tình trạng phải bổ sung hồ sơ nhiều lần để được tiếp nhận, giải quyết vẫn còn. Người dân còn gặp khó khăn trong quá trình góp ý, phản ánh, kiến nghị” - ông Lê Ngọc Anh cho biết.

Trước thực tế đó, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đề xuất một số nhóm giải pháp liên quan đến tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức giải quyết thủ tục hành chính, kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị. Đặc biệt, các cơ quan đơn vị rất cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin và mở rộng hình thức thông tin để người dân, tổ chức biết về cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính một cách dễ dàng tại trụ sở cơ quan, trên Cổng/Trang thông tin điện tử. “Cùng với đó, nghiêm túc rà soát, kiến nghị đơn giản hóa những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, tránh tình trạng công chức giải quyết tự ý đòi bổ sung những giấy tờ khác ngoài quy định. Tăng tần suất kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, nhất là tại cấp xã, nhằm chấn chỉnh kỷ cương hành chính và xử lý ngay những trường hợp vi phạm về thái độ giao tiếp ứng xử. Đặc biệt cần xử lý nghiêm trường hợp cán bộ công chức đòi hỏi giấy tờ sai quy định, tự đặt thêm khâu công việc, nhũng nhiễu, tiêu cực” - ông Lê Ngọc Anh đề nghị.

Kỳ vọng những đột phá về cải cách thủ tục hành chính

Các ý kiến tại hội thảo chủ yếu tập trung vào các vấn đề như cơ sở lý luận về đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS); mối quan hệ với các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền khác; thực tiễn triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức ở một số địa phương; những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân và kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai đo lường sự hài lòng tại Hà Nội. Đồng thời đề xuất giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố thời gian tới…

Dưới góc nhìn từ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, chỉ số CCHC của Thành phố ngày càng được nâng cao là nhờ các cấp, ngành thường xuyên rà soát loại bỏ những nội dung bất cập. “Chúng tôi kỳ vọng Thành phố sẽ tiếp tục có những đột phá mạnh mẽ về cải cách TTHC, nền công vụ hiện đại; đổi mới công tác cán bộ, công chức theo tinh thần vì cộng đồng doanh nghiệp, vì người dân, tạo nên một bước ngoặt lớn xứng đáng với vị thế của Thủ đô. Về dài hạn, tăng cường công tác tư vấn hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ về vốn, tín dụng…” - ông Mạc Quốc Anh bày tỏ.

Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng đồng tình với một số ý kiến cho rằng sự hài lòng của người dân phụ thuộc nhiều yếu tố và thực tế ở các địa bàn nông thôn, thành thị là khác nhau, song bản thân các cơ quan hành chính của Thành phố trước tiên cần xác định nâng cao hơn nữa trách nhiệm, ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức tốt việc phục vụ người dân, doanh nghiệp. “Chất lượng phục vụ người dân thể hiện trước hết ở chất lượng xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách quan trọng liên quan mật thiết đến đời sống. Trong đó, Thành phố cần chấp nhận những yếu tố thuận lợi và khó khăn mang tính tự nhiên, đặc thù ở Thủ đô, người dân “khó hài lòng hơn” ở các địa phương khác để nâng cao chất lượng công tác này” - ông Hùng nhấn mạnh. Cùng với đó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính đề nghị Thành phố nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ hành chính công, mở rộng kênh tương tác giữa người dân và chính quyền. Tăng cường thông tin tuyên truyền, trong đó tuyên truyền ngay trong đội ngũ để nâng cao thái độ tinh thần phục vụ, tuyên truyền trong người dân để nâng cao trách nhiệm tham gia xây dựng chính quyền, có sự đánh giá khách quan công bằng đối với các cơ quan hành chính. Khi đã có kết quả khảo sát, các cơ quan, đơn vị cần có giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế và duy trì, phát huy những chỉ số được đánh giá cao; phản hồi, giải quyết tốt những phản ánh kiến nghị của người dân, bởi đây là kênh quan trọng giúp Thành phố bổ sung, điều chỉnh những chính sách cho phù hợp.

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số để xử lý các điểm nghẽn

Khẳng định Thành phố tiếp thu toàn bộ ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, thời gian qua, việc nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Thành phố luôn được Thành phố xác định là mục tiêu, yêu cầu trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quán triệt sâu rộng tới các cấp, ngành, từng cán bộ, công chức, viên chức về kỷ cương hành chính gắn với cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn. Nền hành chính Thủ đô ngày càng hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập và phục vụ, hướng tới xây dựng Chính phủ số, Thành phố thông minh.

Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cũng chỉ ra một số nội dung cần được các cấp, ngành Thành phố tập trung quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn và có những giải pháp hiệu quả cùng lộ trình triển khai cụ thể, nhất là trong những lĩnh vực thiết yếu ảnh hưởng tới đời sống an sinh xã hội (giao thông, y tế, giáo dục, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, điện, nước, môi trường, đất đai, quy hoạch...). Có lúc, có nơi, kỷ cương hành chính chưa được chấp hành nghiêm và thái độ, trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân chưa tốt. Một số nội dung, nhiệm vụ còn chậm tiến độ hoặc triển khai chưa hiệu quả (số hóa giấy tờ hành chính, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kênh tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị...), gây ảnh hưởng tới kết quả hài lòng của người dân, tổ chức trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Hà Minh Hải đề nghị các cấp, ngành toàn Thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, giải pháp đột phá, hiệu quả, trong đó ưu tiên những nội dung người dân, tổ chức quan tâm, kỳ vọng sự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền. Đặc biệt, đảm bảo sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân vào hoạt động quản lý của các cấp chính quyền. Tập trung rà soát, đề xuất đưa một số nội dung chính sách thiết yếu, đặc thù vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kênh phản ánh, kiến nghị để nâng cao sự hài lòng của người dân.

“Đa phần người dân cần được lấy ý kiến và nêu phản ánh, kiến nghị ngay trên những kênh chính thống của Thành phố và được xử lý kịp thời. Đồng thời, cá thể hóa trách nhiệm đến từng lãnh đạo cấp phòng, cấp xã, từng cán bộ, công chức, viên chức; tăng phân cấp ủy quyền, trao quyền, giảm thẩm quyền chung và tăng thẩm quyền riêng, để phát huy sức sáng tạo của các cá nhân. Đặc biệt, nghiên cứu cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và chú trọng đơn giản hóa, tối ưu hóa, số hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, công khai minh bạch hướng tới “5 dễ” cho người dân (dễ tìm, dễ xem, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp ý).

Ngoài những vấn đề liên quan thể chế, Phó Chủ tịch cho rằng, việc quan trọng nhất đối với Thành phố để nâng cao sự hài lòng của người dân hiện nay là phải đẩy mạnh xây dựng chính quyền số hơn nữa, khi đó các điểm nghẽn sẽ được xử lý. Đồng thời, chú trọng hơn tới yếu tố con người, bởi người dân Thủ đô đang kỳ vọng rất cao vào đội ngũ cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức Thành phố cần hiểu rõ sứ mệnh của mình để thực hiện tốt 3 nguyên tắc là tự tôn pháp luật, luôn lắng nghe và có thái độ cầu thị, phục vụ tốt; đồng thời hướng tới các mục tiêu gồm nhận thức đầy đủ, tầm nhìn dài hạn, tư duy sáng tạo, giải pháp thông minh, sản phẩm cụ thể…

Thực hiện: Trung tâm Thông tin - Đào tạo

TIN ẢNH

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP

Đang truy cập: 2
Tổng: 1.691.128