THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

Khẩn trương hoàn thiện Báo cáo Quy hoạch Thủ đô để trình Trung ương theo quy định
Ngày đăng 23/02/2024 | 9:33 AM  | View count: 216

Chiều 23/02/2024, phát biểu tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Thành phố xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến tại phiên họp và sẽ chỉ đạo ngay các cấp, ngành của Thành phố khẩn trương hoàn thiện Báo cáo Quy hoạch Thủ đô để trình Trung ương theo quy định.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, hiện nay, Thành phố Hà Nội đang thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ lớn để tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới cho Thành phố, đó là: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh không chỉ giúp hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô, mà còn có nhiều gợi ý đối với nhiệm vụ nghiên cứu, Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, nhiều ý kiến của Hội đồng cũng là những gợi ý rất xác đáng cho Hà Nội trong quá trình triển khai Quy hoạch Thủ đô sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; gợi mở, định hướng cho Thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn với “tầm nhìn mới - tư duy mới” để tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” cả trước mắt và lâu dài.

'

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ đô Hà Nội là địa bàn có diện tích rộng (với đầy đủ cả núi, sông và 3/4 là đồng bằng phì nhiêu); khí hậu ôn hòa 4 mùa rõ rệt với mùa thu đặc sắc đã đi vào thi ca; có dân số đông, thị trường lớn với nguồn nhân lực chất lượng cao, dồi dào và đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu cả nước; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương và các tổ chức lớn trong nước và quốc tế; là Thủ đô với bề dày văn hóa - lịch sử hàng ngàn năm, là Thành phố di sản…

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Thành phố nhận thức được lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội (của đất nước với hơn 100 triệu dân) không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển Thủ đô, mà còn là đề xuất các định hướng phát triển mang tính dẫn dắt, lan tỏa cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước với nhiều mục tiêu thể hiện khát vọng phát triển ở phía trước. Đồng thời, việc lập Quy hoạch Thủ đô cũng phải giải quyết hài hòa nhu cầu không gian phát triển của địa phương và các cơ quan Trung ương, các tổ chức trong và ngoài nước đóng trên địa bàn Hà Nội.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tập trung quyết liệt với nhiều cách làm mới, sáng tạo; trong đó, triển khai ngay việc xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch để xác định khung, những nội dung trọng yếu, bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị có liên quan (như: Nghị quyết số 06 về đô thị; Nghị quyết số 18 về đất đai; Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết số 30 về vùng Đồng bằng sông Hồng…) làm cơ sở để lập Quy hoạch. Đồng thời tổ chức lắng nghe, tiếp thu các ý kiến gợi ý, đóng góp của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, của các trường đại học, viện nghiên cứu, của các cơ quan trung ương và địa phương, và nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức đa dạng, khoa học, hiệu quả.

Với sự nỗ lực của liên danh tư vấn (với các Viện, Học viện, các trường hàng đầu của cả nước), sự vào cuộc của các Sở, ngành, các quận, huyện, thị xã và cả hệ thống chính trị trên địa bàn Thành phố, sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đến nay Hà Nội đã cơ bản hoàn thành Hồ sơ quy hoạch với Báo cáo tổng thể trên 1.200 trang (với đầy đủ bảng, biểu và hệ thống bản đồ theo quy định), Báo cáo những nội dung chủ yếu gần 300 trang, 01 phim phóng sự… Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá hồ sơ Quy hoạch Thủ đô được lập công phu, khoa học, nghiêm túc; tích hợp các quy hoạch cấp quốc gia và có các định hướng phát triển vùng phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt về các xu hướng mới, các chủ trương của Đảng; cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo vệ môi trường. Các ý kiến cơ bản thống nhất với các đề xuất về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển trong dự thảo quy hoạch.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiên Dũng cũng nhìn nhận, hồ sơ quy hoạch vẫn còn có những điểm cần được tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, cập nhật để nâng cao hơn nữa về mặt chất lượng. Sau buổi họp Hội đồng thẩm định, Thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, nghiên cứu các góp ý của các thành viên Hội đồng, ý kiến các chuyên gia, tổ chức, rà soát, chắt lọc, bổ sung để hoàn thiện tốt nhất bản Quy hoạch Thủ đô. Bí thư Thành ủy cũng đồng thời đề nghị làm rõ một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử; là vùng đất có bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Từ đó thấy rõ được tính đặc thù riêng có của Hà Nội, làm cơ sở khai thác, phát huy các giá trị truyền thống để phát triển Thủ đô.

- Tiếp tục khẳng định khát vọng lên mạnh mẽ, tư duy tầm nhìn chiến lược với triết lý phát triển của Thủ đô với 5 quan điểm chung và dựa trên 5 trụ cột: (i) Văn hóa và con người; (ii) 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); (iii) Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; (iv) Kinh tế số, đô thị thông minh; (v) Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

- Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; phấn đấu đi đầu cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghiệp văn hóa, du lịch… Nhấn mạnh vai trò của văn hóa, con người, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô; quan điểm phát triển bao trùm, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; an ninh an toàn và hạnh phúc của nhân dân.

Hai là, tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có các giải pháp phù hợp để phát triển. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến điểm nghẽn của những vấn đề: (1) Thiếu thể chế vượt trội; (2) Hạ tầng thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị chưa phát triển; (3) Ô nhiễm môi trường và các quy định về quản lý, khai thác các dòng sông chưa phù hợp, đang làm mất lợi thế tự nhiên của Hà Nội; (4) Quy hoạch đô thị chậm đổi mới, các quy chuẩn quy hoạch chưa theo kịp xu hướng hiện đại; (5) Năng lực quản lý còn hạn chế, chưa tạo được những đột phá trong quản lý để mở đường cho phát triển.

Trước mắt, Thành phố xác định mục tiêu đến năm 2035, cơ bản sẽ hoàn thành việc di chuyển các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô để thành lập khu đô thị đại học thông minh, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới; đồng thời góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trong nội đô và ô nhiễm môi trường.

Ba là, sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, hạ tầng kết nối về giao thông, logicstic để phát huy thế mạnh hệ thống đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt của Hà Nội, kéo gần khoảng cách kết nối giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước, với các cửa khẩu, các khu kinh tế, các cảng biển dọc theo các tuyến hành lang Bắc - Nam, Đông - Tây; kết nối về phát triển du lịch (du lịch phía Nam Hà Nội với khu vực Hà Nam, Ninh Bình; du lịch xứ Đoài với khu vực Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ…); kết nối trong nông nghiệp, trong đó Hà Nội giữ vai trò là nơi cung cấp giống, nhân công chất lượng cao và nơi tiêu thụ nông sản của cả Vùng; kết nối trong cung cấp các dịch vụ chất lượng cao về khoa học công nghệ, nhà ở, giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Bốn là, rà soát các phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, phát triển kinh tế đô thị, giúp kinh tế Hà Nội có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới, đồng thời nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, gia tăng thu nhập cho người dân đô thị.

Trong đó, tại khu vực nội đô, đặc biệt nội đô lịch sử, quan tâm cải tạo, chỉnh trang đô thị, khai thác tối đa giá trị đất đô thị, giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, các trụ sở cũ, các khu phố cổ, phố Pháp (với sự nâng tầm bằng công nghệ số) để phát triển mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại; tiếp tục gia tăng diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ bằng khai thác mạnh không gian trên cao, không gian ngầm, các ngõ phố. Xây dựng hình ảnh đô thị Hà Nội đẹp, cổ kính xen lẫn hiện đại, văn minh. Tại các khu vực phát triển đô thị mới, đặc biệt hai thành phố trực thuộc Thủ đô, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, công nghiệp công nghệ cao, giá trị cao, các ngành công nghiệp văn hóa hướng đến thời đại, các không gian đổi mới sáng tạo thu hút nhân tài trên thế giới đến làm việc. Tiếp tục khai thác lợi thế để cung cấp các loại hình dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí giá trị cao trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, tạo nên các mô hình đặc sắc của Hà Nội. Từng bước đưa thành phố Hà Nội trở thành một điểm đến sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực về đêm của người dân và du khách với những sản phẩm, dịch vụ mang tính biểu tượng, khác biệt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với các điểm đến khác trong nước và quốc tế. (Khu vực nội đô là mô hình kinh tế đêm hướng đến  khai thác các không gian văn hóa - lịch sử; lựa chọn một số khu vực phát triển đô thị mới, khu vực đặc sắc ngoại thành của Hà Nội để phát triển mô hình kinh tế đêm hướng đến các hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ thời đại, phù hợp với giới trẻ và quốc tế… Nhất là khai thác lợi thế thành phố sông, hồ, đặc biệt sông Hồng, tạo nên những khu vực đặc sắc khu sông Hồng để phát triển các mô hình kinh tế đêm).

Năm là, sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa như: Không gian Hoàng thành Thăng Long kết nối Ba Đình; không gian Phố Cổ kết nối cầu Long Biên; không gian quần thể di tích Cổ Loa; không gian làng cổ Đường Lâm; không gian một số làng nghề truyền thống. Xây dựng mới một số công trình văn hóa hiện đại mang tính biểu tượng thời kỳ mới của Thủ đô.

- Nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới như quần thể di tích Cổ Loa, quần thể thắng cảnh Hương Sơn, khu di tích Ba Đình, K9 - Đá Chông, Cầu Long Biên… để bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị di sản, xây dựng hình ảnh thành phố toàn cầu.

- Đặc biệt là phương án phát triển trục sông Hồng - không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, bổ sung nên diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

- Nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch và Quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng theo hướng: Xác định hành lang thoát lũ, vị trí tuyến đê trong bối cảnh mới hiện nay, xây dựng đê mới siêu hiện đại, siêu bền vững để giảm diện tích chiếm đất và nâng cao chất lượng đê; quỹ đất còn lại giữa đê mới và đê cũ được sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng cho du lịch, cho dịch vụ.

- Phát triển trục Cổ Loa – Hồ Tây là trục kết nối lịch sử, cần phải được quy hoạch đủ lớn như Đại lộ - Quảng trường, với những công trình kiến trúc như biểu tượng của Thủ đô để thu hút khách du lịch đến thăm quan, ngắm toàn cảnh Thủ đô, tạo không gian cho người dân Thủ đô và khách du lịch hội tụ nhân các dịp ngày lễ hội, đồng thời kết hợp khai thác du lịch, dịch vụ.

Sáu là, xác định việc cấp bách cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay là bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng.

- Nhấn mạnh ưu tiên thực hiện các giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm các dòng sông nội đô, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô (sông Tô lịch, Nhuệ, Đáy…); xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ; xử lý ô nhiễm môi trường không khí.

- Về quy hoạch các khu xử lý chất thải, đặc biệt chất thải rắn, xác định vị trí các khu xử lý dùng chung giữa các tỉnh, thành phố để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm chi phí vận chuyển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; áp dụng công nghệ xử lý hiện đại đối với các khu xử lý chất thải. Riêng đối với khu xử lý Nam Sơn, Sóc Sơn: hiện đã quá tải, không thể mở rộng; mặt khác, đây là khu vực có giá trị lớn về văn hóa - lịch sử, tập trung khai thác du lịch, dịch vụ và di sản.

- Đẩy mạnh khâu đột phá về hệ thống hạ tầng, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị và các đường vành đai, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối Vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không. Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị… Đặc biệt có lộ trình, cơ chế đối với chuyển đổi giao thông xanh, trong đó đặc biệt là xe máy.

- Xây dựng mô hình các quận xanh, sinh thái thành hình mẫu tiêu biểu của cả nước; tăng cường thêm các hành lang xanh, nêm xanh, thảm xanh để tăng diện tích đất xanh, không chỉ ở khu vực ngoại thành mà cả trong khu vực nội thành, đặc biệt ở khu vực nội đô lịch sử.

- Phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong thời kỳ tới.

Bảy là, nhấn mạnh hơn quan điểm phát triển hài hòa đô thị và nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn

- Trong đó, đối với đô thị, phát triển đô thị vệ tinh, Thành phố thuộc Thủ đô theo định hướng TOD, đô thị 15 phút; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực nội đô theo hướng văn minh, hiện đại. Nâng cao chất lượng đô thị hóa, không biến khu vực nông thôn thành đô thị một cách khiên cưỡng khi chưa đủ điều kiện. Công tác quy hoạch để xác định các khu vực phát triển đô thị, trong quá trình thực hiện quy hoạch, các khu vực đó sẽ được xác định là đô thị khi đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định. Trước mắt nghiên cứu hình thành 2 thành phố thuộc Thủ đô theo Nghị quyết số 15 là Thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây, trong tương lai có thể thêm thành phố Sơn Tây - Ba Vì và thành phố phía Nam.

- Đối với khu vực nông thôn, xây dựng các khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị với các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp; xây dựng mô hình “làng trong phố”.

- Xác định một số không gian đặc thù để phát triển một số khu nhà ở, khu nghỉ dưỡng, khu hội thảo, làm việc với không gian xanh, cảnh quan đẹp và có chất lượng cao, thu hút giới tinh hoa, phục vụ các đoàn khách quốc tế đặc biệt của Nhà nước tại khu vực Ba Vì, Sóc Sơn…

Tám là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các giải pháp để thực hiện Quy hoạch. Trong đó đặc biệt là các giải pháp khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển; kiên định quan điểm văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô; xác định giáo dục, khoa học công nghệ, nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, tính chiến lược trong xây dựng và phát triển Thủ đô; đồng thời xây dựng thể chế đồng bộ, quản trị hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.

Thành phố Hà Nội xác định còn nhiều việc phải làm để tổ chức bổ sung, hoàn thiện bản Quy hoạch Thủ đô với chất lượng tốt. Đồng thời, sau khi Quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Thành phố sẽ khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch, thực hiện ngay một số dự án, đề án quan trọng với quan điểm “quy hoạch không phải là một sản phẩm mà là một quá trình”.

Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, với thần cầu thị, Thành phố Hà Nội luôn lắng nghe và mong các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham góp nhiều ý tưởng, các giải pháp khả thi và đồng hành cùng với Thành phố, góp phần để Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố “Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, là thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thực hiện: Trung tâm Thông tin - Đào tạo

 

TIN ẢNH

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP

Đang truy cập: 5
Tổng: 1.691.123