Người dân tại tỉnh Đông Java, Indonesia được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng trong khu vực nhìn chung vẫn còn thấp (với một số trường hợp ngoại lệ), trong bối cảnh lo ngại rằng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây nhận định, biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, là biến thể "dễ lây nhiễm nhất trong số các biến thể được xác định cho đến nay". Một số quốc gia láng giềng trực tiếp của Ấn Độ như Nepal, Pakistan và Sri Lanka đã chứng kiến sự gia tăng của các ca nhiễm trong tháng 5; mặc dù các quốc gia này hiện đang chứng kiến xu hướng giảm về số lượng.
Đáng chú ý, Nepal đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề, với sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm. Trong khi đó, các ca bệnh ở Afghanistan đã ở mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 6, và Bộ trưởng Y tế Afghanistan Wajid Majrooh cho rằng, 60% các ca bệnh ở thủ đô Kabul là do biến thể Delta gây ra.
WHO gần đây cũng đã báo cáo số ca nhiễm gia tăng ở Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, và Mông Cổ.
Bangladesh
Bangladesh, quốc gia có đường biên giới dài với Ấn Độ, đã chứng kiến xu hướng tăng về số ca nhiễm COVID-19 kể từ giữa tháng 5. Một nghiên cứu của Chính phủ Bangladesh được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 25/5 - 7/6 cho thấy, 68% các ca nhiễm được phát hiện ở thủ đô Dhaka là do biến thể Delta gây ra.
Bangladesh hiện đang thực hiện biện pháp phong toả trên toàn quốc, sau những lo ngại về tác động của biến thể này.
Mặc dù bắt đầu chiến dịch tiêm chủng sớm hơn so với những quốc gia khác, việc triển khai tiêm chủng ở Bangladesh nhìn chung diễn ra chậm. Bangladesh đã triển khai 1,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca mà họ nhận được từ Ấn Độ. Tính đến ngày 30/6, ít hơn 3% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Indonesia
Indonesia cũng đã áp dụng một lệnh phong toả ở các khu vực của đất nước cho đến ngày 20/7. Số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 đang tăng lên kể từ đầu tháng 6; và Chính phủ nước này cho rằng, sự gia tăng là do biến thể Delta.
Theo Bộ Y tế Indonesia, hoạt động xét nghiệm cho thấy, gần 60% trường hợp mắc bệnh trong 3 tuần qua là do biến thể Delta gây ra. Tốc độ tiêm chủng đã được tăng lên trên cả nước; nhưng cho đến nay, chưa đến 5% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đặt mục tiêu triển khai tiêm chủng cho 1 triệu người mỗi ngày, và tăng gấp đôi con số này vào tháng 8.
Thái Lan
Sự gia tăng gần đây của các ca nhiễm COVID-19 và ca tử vong ở Thái Lan được Cục Khoa học Y tế Thái Lan nhận định, một phần là do biến thể Delta.
Đầu tuần này, Cục Khoa học Y tế Thái Lan cho biết, trong 26% tổng số ca nhiễm được báo cáo ở thủ đô Bangkok trong tuần qua, biến thể Delta đã được xác định. Trong thời gian gần đây, biến thể này cũng đã được phát hiện ở các đảo, như Phuket. Khoảng 4% dân số Thái Lan đã được tiêm phòng đầy đủ vào cuối tháng 6.
Mông Cổ
Quốc gia này có mức độ tiêm chủng tương đối cao, với hơn 50% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Dù vậy, số ca nhiễm và ca tử vong tăng đột biến trong thời gian gần đây ở Mông Cổ là một trong những mức cao nhất ở khu vực châu Á, tính theo đầu người.
Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)