Bếp dù to dù nhỏ, dù bếp lửa giản đơn, xưa cũ hay đủ đầy tiện nghi tân thời thì vẫn mãi là nơi mang lại nguồn năng lượng tích cực, là nơi thắp lửa yêu thương, gói trọn kỷ niệm ngọt bùi của cả nhà.

Có dáng mẹ tần tảo, tháo vát trong chiếc tạp dề, nhẹ nhàng bóc tỏi, nhặt rau, rửa thịt… 5 giây trước vừa đảo cơm, 5 giây sau tay dùng đũa khuấy chén nước mắm, một lát sau đã vội tắt bếp có nồi canh đang sôi sùng sục. Mang cả những tâm tình, sự âu yếm, săn sóc cho chồng con, giữ sự cân bằng, sâu lắng cho chính mình và tỏa ra nét xưa trân quý, tốt đẹp của người phụ nữ Việt.

Có tiếng bố gọi hai chữ “mình ơi”, đứa con thơ ngắm nhìn mẹ nấu và thi thoảng bốc  vụng vài miếng rồi nói cười liến thoắng. Thanh âm bát đũa chạm vào nhau và tiếng chuyện trò rôm rả bên mâm cơm tỏa hương, làn khói bay ấm áp…

Cho những bữa cơm ấm lòng, ngon lành nhất thế gian, cho những phút giây góc bếp hóa an vui dù ngoài kia có đầy bão tố. Ta gọi đó là hồn của nhà, là mùi, là vị của tình thân, là những điều giản dị đơn sơ về hạnh phúc gia đình.

Cũng trong không gian đó, phải chăng, người phụ nữ trở nên… "phụ nữ" nhất, đầy khí chất dịu dàng, bao dung và chu đáo như trong câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng/ Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy tinh sương…” để “Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương”. Người đàn ông thấy mình được quan tâm nhất, bởi “con đường ngắn nhất để chạm đến trái tim của họ là qua chiếc dạ dày”?! Người con thì lớn lên, trưởng thành từ cơm mẹ nấu, từ những kết nối bền chặt, đậm đà tình thân.

Với những người con đang trên dặm đường tha phương, đi qua bao nhiêu vui buồn phố thị, lòng vẫn râm ran và chênh vênh nhớ tiếng nói cười mẹ cha bên mâm cơm không phải “cao lương, mỹ vị” mà đôi khi chỉ mộc mạc, chân phương với “canh rau muống”, “cà dầm tương”… Vẫn nồng nàn hương quê vị biển với nước mắm nhà làm, cá cha đi câu, mẹ ướp nấu. Vẫn tím hoa cà, vẫn mãi mãi xanh những ngọn rau lang con hái ở sau vườn “góp” bữa cơm thường nhật thêm tròn đầy dinh dưỡng. Đó là những ký ức tươi đẹp nhất, là mảnh hồn riêng, là nỗi khát khao được trở về bên bữa cơm quê, bên gia đình yêu dấu.

Trong nhịp sống tất bật, hối hả thời hiện đại, người ta “lao” vào guồng quay công việc công sở, vào những chuyến công tác xa nhà và những câu chuyện, đề tài “hot” trên mạng xã hội. Nhiều gia đình thị thành, người phụ nữ bắt đầu “xa lạ” việc nấu nướng, bữa cơm nhà vì thế mà khó đông đủ thành viên, ăn sương sương “bữa đực, bữa cái”. Sợi dây liên kết sẻ chia, tình cảm theo đó mà lỏng lẻo từng ngày và chung nhà nhưng thấy xa cách, lạnh tanh? Khi ấy càng khiến mỗi người nhìn lại, nghĩ sâu, lo xa về trách nhiệm của mình với tổ ấm gia đình để mỗi thành viên cùng tạo ra thêm nhiều khoảnh khắc ý nghĩa, tuyệt vời bên nhau bởi “Tổ ấm gia đình, không gì sánh được”.

ĐẶNG VIỆT TRINH