Đường làng, ngõ xóm tại Thủy Phù khang trang, sạch đẹp

Sau khi hoàn thành chương trình nông thôn mới (NTM) vào năm 2019, xã Thủy Phù nhanh chóng bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, tiếp đó trở thành phường, trong đó, đưa chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã sát với thực tế là một trong những mục tiêu trọng tâm.

Để triển khai, chính quyền xã chú trọng kích cầu phát triển lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Ông Lê Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho hay, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, tuy bị ảnh hưởng chung bởi dịch COVID-19, nhưng giá trị sản xuất trên địa bàn ước thực hiện 360 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ, trong đó, ngành dịch vụ ước đạt 195 tỷ đồng, tăng 3,06% so với cùng kỳ và ngành xây dựng có chiều hướng phát triển khá.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và liên doanh liên kết với các đơn vị để sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ, chủ động đưa một số giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, một số mô hình có hiệu quả như sản xuất gà giống chất lượng, bò, chim cút, rau màu... đã giúp người dân tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Trong lộ trình xây dựng NTM nâng cao và trở thành phường, 2 tiêu chí khó thực hiện nhất là tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Do đó, song song với việc vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế, Thủy Phù đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tăng cường mở rộng việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để hỗ trợ người dân tiếp cận các ứng dụng KHKT, bao tiêu đầu ra.

“Trước đây gia đình tôi trồng rau màu theo kiểu manh mún, không theo quy hoạch nên kinh tế khá bấp bênh. Từ khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gia đình mạnh dạn áp dụng KHKT và chuyển sang hướng trồng rau sạch, chọn những loại rau màu thị trường đang cần và có giá cao. Hiện, chúng tôi không phải lo đầu ra khi có đơn vị bao tiêu tận vườn”, ông Trần Tân (thôn 1B) chia sẻ.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao vào năm 2023 và trở thành phường vào năm 2024 không đơn giản chỉ ngang đó, mà còn tích hợp thêm nhiều tiêu chí liên quan đến môi trường, công nghệ, giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu… Đến hiện tại, bên cạnh đã triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, Thủy Phù cũng là một trong những địa phương được đánh giá cao trong tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý và giải quyết các thủ tục hành chính.

Bí thư Thị ủy Hương Thủy - Lê Ngọc Sơn đánh giá, Thủy Phù là địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó điểm nhấn là công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương, tỉnh và thị xã.

“Để hoàn thành xây dựng NTM nâng cao và lên phường theo đúng lộ trình, thời gian tới, Thủy Phù cần tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi hữu cơ; kêu gọi đầu tư các điểm du lịch sinh thái - du lịch cộng đồng; có phương án quy hoạch phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là các dịch vụ cung ứng cho KCN Phú Bài và ưu tiên tập trung thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng KCN Phú Bài giai đoạn 4…”, ông Sơn nói.

Bài, ảnh: Thanh Đoàn