Chăm chút không gian lưu trú, quan tâm đến từng chi tiết của dịch vụ, hỗ trợ trong định mức có thể để tiếp cận được nguồn khách nội tỉnh là điều mà bạn tôi đã làm, trong suốt quãng thời gian du lịch và dịch vụ hoạt động rất cầm chừng vì tác động của dịch bệnh. Cuộc trò chuyện với bạn làm tôi vỡ ra nhiều điều, khi mà việc tăng doanh thu không còn là quan trọng nhất. Điều mà bạn hướng tới là làm thế nào để vẫn giữ được lương tháng cho người lao động. Giữ, ngay cả khi phải bù từ các khoản thu nhập khác. Cũng may là cơ sở của bạn vừa đủ, nhân công không nhiều nên mọi việc đều ổn.

Luôn làm khách cảm thấy dễ chịu. Người lao động gắn bó và khi khó khăn, sẵn lòng cùng mình chạy đường trường là tâm thế làm ăn mà bạn chia sẻ. Tôi hiểu đó là một cách nói của bạn về việc xây dựng lòng tin. Sẽ là quá to tát khi đề cập đến quá trình này để xây dựng thương hiệu, nhưng sẽ là gần gũi, nếu nói rằng, dù với quy mô nhỏ, nhưng bằng cách đó, bạn đang tạo dựng những giá trị về lòng tin, để nhận diện thương hiệu của chính mình.

Nhìn một cách bao quát hơn, chúng ta sẽ nhận thấy những giá trị cốt lõi này ở không ít doanh nghiệp lớn, nhỏ khác. Phân công lại lao động, chia nhỏ sản xuất, cố gắng hoàn trả các đơn hàng, chia sẻ khó khăn với công nhân và cùng nhau cầm cự là cách đã được lựa chọn để thực hiện trước những trở ngại và tác động quá lớn của đại dịch cho đến khi nhiều công ty, nhà máy buộc phải đóng cửa vì không chịu nổi sức ép của dịch bệnh.

Cho đến lúc này, sự thiếu hụt nhân lực lao động đã trở thành một sức ép cho các doanh nghiệp để trở lại hoạt động, khi mà dòng người đông đảo lại tiếp tục trở về quê nhà, tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Đó là hệ lụy khó tránh và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở phía nam đang phải đối diện. Tuy nhiên, trong khó khăn, chúng ta vẫn nhận ra những điểm sáng khi không ít người lao động chia sẻ rằng, đó cũng chỉ là giai đoạn tạm thời. Trở lại là một trạng thái sẽ được kích hoạt khi tình hình được kiểm soát tốt hơn, trên nhiều phương diện. Điều được kỳ vọng, chắc chắn phải vì cuộc sống nhưng vấn đề cơ bản nhất, theo tôi là ở chỗ các doanh nghiệp đã và phải xây dựng được niềm tin trong một hệ sinh thái mà ở đó, sự thành công, ổn định và phát triển đã được hình thành từ những gì mà họ được đối đãi. Nói một cách khác, đó là khi văn hóa doanh nghiệp được hình thành trong sự thống nhất, trên cơ sở các bên không chỉ cùng nhau có lợi mà còn có sự đóng góp, chia sẻ cả về đời sống tinh thần…

Lâu nay, chúng ta thường hay nhắc đến việc xây dựng thương hiệu để tăng năng lực cạnh tranh. Trước đó là việc nhận diện thương hiệu. Chắc chắn đây là một quá trình của bất kỳ một công ty, nhãn hàng hay một sản phẩm nào đó. Nhưng trong quá trình này, nếu sự vận hành không được tổ chức dựa trên những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giá trị định hình tư duy; thái độ, hành vi của nhân viên như một “cây hệ thống” của văn hóa doanh nghiệp, chắc chắn sẽ khó mà trụ lại thương trường. Nhìn từ một góc độ khác, đó cũng là một trong những tiêu chí quan trọng của năng lực cạnh tranh.

Trong giai đoạn khó khăn này, có lẽ đó cũng là cốt lõi của mỗi giá trị, để những “hệ sinh thái” này từng bước khôi phục và quay trở lại thị trường.

THƯỜNG XUÂN