Du khách đến Huế qua Cảng Chân Mây (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: ĐỨC QUANG

Chuyển dịch đầu tư

Là một trong những trọng tâm tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như đô thị, KKT Chân Mây - Lăng Cô cùng với khu đô thị mới An Vân Dương đang trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều nhà đầu tư. Với dư địa đầu tư lớn, diện tích quy hoạch 27.108 ha, thế mạnh đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, KKT Chân Mây - Lăng Cô được hướng đến xây dựng thành đô thị loại III với mũi nhọn phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.

Ngoài lợi thế về vị trí, khu vực này còn có ưu thế về quy hoạch, khi quy hoạch chung và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng từng khu vực đều đã được lập và phê duyệt. Hiện tổng diện tích quy hoạch đã được phê duyệt và đang tổ chức lập quy hoạch chiếm 78% đất thuận lợi xây dựng, 22% còn lại là khu vực cây xanh sinh thái, vùng bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, đất cây xanh cách ly đường giao thông quốc gia, đường dây điện cao thế. Sự cân đối trong diện tích xây dựng và cây xanh cảnh quan sẽ tạo cho khu vực môi trường xanh thân thiện. Tỉnh khuyến khích từng dự án đầu tư xen kẽ những vùng xanh, nhằm tạo nên không gian xanh cho từng khu vực.

Kết cấu hạ tầng khu kinh tế cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và phục vụ các dự án đầu tư nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom xử lý nước thải và bãi chôn lấp chất thải rắn.

Với những lợi thế này, KKT Chân Mây - Lăng Cô đang trở thành điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư. Giai đoạn 2006 - 2021, KKT này đã thu hút được 72 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 97.333 tỷ đồng với nhiều nhà đầu tư lớn có thể kể tên như: Tập đoàn Banyantree, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn SunGroup... giải quyết việc làm hơn 4.600 lao động (chiếm 10,2% dân số trên địa bàn); nộp ngân sách Nhà nước 2.200 tỷ đồng.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Số dự án thu hút khá lớn, tuy nhiên số dự án còn hiệu lực hiện chỉ dừng mức 50 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 82.000 tỷ đồng. Tổng vốn thực hiện cũng chỉ đạt 13.000 tỷ đồng, chiếm 16,54% tổng dự án, các dự án còn lại vẫn còn nằm trên giấy.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua quá trình theo dõi, giám sát, sở đã tham mưu chấm dứt hoạt động 66 dự án (chủ yếu vi phạm tiến độ thực hiện kéo dài, nhà đầu tư không có khả năng thực hiện nên tự chấm dứt hoạt động...), với tổng vốn đầu tư 18.681,9 tỷ đồng; trong đó dự án thuộc địa bàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh là 29 dự án.

Ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng cảng biển. Ảnh: HOÀNG LOAN

Nguyên nhân khiến các dự án chậm thực hiện đầu tư, tỷ lệ thu hồi dự án ở khu vực này khá lớn chủ yếu do các nhà đầu tư khi đề xuất dự án đầu tư chưa nắm rõ quy trình, thủ tục trong quá trình triển khai dự án nên đề xuất tiến độ dự án chưa phù hợp, dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh hay giãn tiến độ thực hiện dự án nhiều lần. Một số nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm và năng lực triển khai so với dự án đề xuất.

Trong 2 năm 2020-2021, diễn biến phức tạp của đại dịch làm ảnh hưởng chung đến tiến độ, tình hình triển khai dự án đầu tư, đặc biệt trong việc mua sắm máy móc cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn vay do suy thoái kinh tế.

Tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các dự án trọng điểm. Nghiên cứu có cơ chế huy động nguồn lực riêng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút các dự án có quy mô lớn, mang tính động lực. Có cơ chế khai thác quỹ đất tại các khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật để tạo nguồn thu tái đầu tư hạ tầng.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, quan điểm của tỉnh trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là các đối tác lớn, các nhà đầu tư chiến lược là “không thu hút đầu tư bằng mọi giá, hạn chế các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, ưu tiên các dự án của các nhà đầu tư lớn, dự án công nghệ cao”.

Vì thế, công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng đất và xử lý các dự án chậm tiến độ, ngừng hoạt động trên địa bàn KKT nói riêng và toàn tỉnh nói chung được tăng cường. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng và thực hiện tốt chương trình xúc tiến đầu tư. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghệ sạch ít gây ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm lớn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; các dự án gắn với nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chú trọng các dự án đầu tư vào hạ tầng cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, hạ tầng khu đô thị Chân Mây, khu công nghệ cao... tạo nên sự đồng bộ hạ tầng cho KKT Chân Mây - Lăng Cô.

Để tạo nên bước đệm trong thu hút đầu tư, tỉnh đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp nhằm thu hút nhà đầu tư. Ngoài các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư theo quy định của Trung ương về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án; giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn; hỗ trợ đào tạo lao động...

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho KKT Chân Mây - Lăng Cô trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo cơ sở cho việc triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của KKT này. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, nhất là đối với các dự án lớn, có tính chất động lực thúc đẩy sự phát triển, các dự án đầu tư vào hạ tầng KKT Chân Mây - Lăng Cô.

HOÀNG ANH