Sau hơn một ngày xuất hiện trên trang cá nhân, bài viết của Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định nhận được ủng hộ tuyệt đối của bạn đọc. Trong gần 100 ý kiến phản hồi (sau hơn một ngày đăng tải), tôi thấy có nhiều ý kiến tâm huyết.
Lễ bàn giao Bạch Trà viên - bối cảnh trong phim "Gái già lắm chiêu V" tháng 9/2020. Ảnh: Bảo Minh
Mai Thu Huyền bày tỏ: “Huế có những người lãnh đạo tuyệt vời và có tầm nhìn như các anh thực sự là rất đáng quý. Em và đoàn cảm thấy vô cùng may mắn khi nhận được những sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan ban ngành và những người dân ở Huế. Phim Kiều thực sự không biết bày tỏ lời cảm ơn như thế nào cho đủ với sự hỗ trợ hết lòng, hết sức của Huế dành cho êkip đoàn phim. Huế không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, đẹp về kiến trúc cổ kính mà còn đẹp về cả lòng người hiếu khách anh ạ. Huế hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể trở thành phim trường lớn cho không chỉ các bộ phim của Việt Nam mà thậm chí cả các đoàn phim nước ngoài muốn đến Việt Nam để quay. Em chỉ mong Phim Kiều có thể góp phần đưa hình ảnh của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đến với khán giả trên thế giới...”
Còn bà Tạ Thị Ngọc Thảo viết: “Phim trường là gì? Từ điển viết rằng: Phim trường là nơi diễn ra các hoạt động ngành điện ảnh. Nếu Huế hướng tới du lịch phim trường thì tuyệt vì nguồn thu này lớn từ quảng cáo, thời trang, mua sắm và thu hút được nhóm khách sang rộng tay trong chi tiêu…” và để minh chứng, tác giả đã dẫn link về 3 phim trường lớn nhất thế giới: Bollywood, Chinawood và Hollywood.
Thông qua hai ý kiến vừa trích dẫn, Huế hội đủ điều kiện cần cho phim trường: Cảnh quan và sự đồng lòng của địa phương. Nếu phát huy được những lợi thế này sẽ tạo nguồn lợi từ những giá trị được quảng bá.
Nhưng để phát huy, rõ ràng Huế cần một chiến lược đầu tư dài hạn, trong đó theo tôi là sớm hình thành đội ngũ cố vấn chuyên ngành nhằm giúp các hãng làm phim nắm rõ những giá trị cốt lõi của văn hóa Huế. Đạo cụ qua các giai đoạn lịch sử là câu chuyện cần quan tâm, vì bối cảnh phim tái hiện mỗi thời kỳ mỗi khác.
Huế may mắn có nhiều đạo diễn phim truyện, ví như Đặng Nhật Minh, Nguyễn Vinh Sơn và nhiều đạo diễn trẻ tài năng khác. Hãy mời họ về Huế một chuyến và thành tâm mời họ hiến kế, kể cả những nhà sản xuất phim.
Sau khi đọc bộ tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu” của Nhà văn Trần Thùy Mai, tôi ao ước nếu bộ tiểu thuyết được chuyển thành phim thì Huế sẽ có nhiều chuyện hay được chuyển tải và biết đâu nó trở thành nơi xuất phát của dòng phim cổ trang lấy bối cảnh Huế.
Phạm Hữu Thu