Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, lãnh đạo tỉnh có nhiều cuộc kiểm tra, làm việc tại các địa phương, các công trình, dự án trọng điểm và về tận các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhằm đôn đốc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Năm 2021, ước tính GDP cả nước chỉ tăng 2,58%, thấp hơn rất nhiều so với trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 (năm 2019 đạt 7,02%). Với Thừa Thiên Huế, tuy kiểm soát tốt dịch bệnh và tranh thủ được các đơn hàng dịch chuyển từ phía nam ra, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cũng chỉ đạt 4,36%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn; một số ngành chưa thể khôi phục hoạt động.

Với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh cho thấy hướng tiếp cận phù hợp và chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nay, với việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong những năm tới.

350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022-2023 là quy mô của chương trình này. Chương trình bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Chương trình được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 đạt 6,5-7%/năm.

Trên tổng thể là vậy, nhưng với từng địa phương, việc lựa chọn và triển khai các giải pháp phục hồi cũng cần có sự linh hoạt, phù hợp với thực tế. Với Thừa Thiên Huế, ngay trong Nghị quyết số 01/2022, HĐND tỉnh đã ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập 4 tổ công tác liên ngành đặc biệt về xúc tiến và đầu tư ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, không chỉ cho thấy quyết tâm cao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, mà còn chú trọng thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực mới trong phát triển.

Để tạo ra cú hích thực sự cho quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề lựa chọn lĩnh vực, dự án hỗ trợ cũng là vấn đề đặt ra, nhưng quan trọng cần khảo sát kỹ “nút thắt” của từng lĩnh vực, ngành nghề để kịp thời tháo gỡ.

Chẳng hạn, du lịch dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế. Do tác động của đại dịch COVID-19, ngành này hầu như bị tê liệt. Nay muốn phục hồi cần nguồn lực rất lớn của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng, có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, miễn giảm thuế, phí tham quan… Còn với doanh nghiệp, nhu cầu phục hồi sẽ không giống nhau. Có doanh nghiệp cần hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; có doanh nghiệp cần vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng tour, mở các dịch vụ mới… Hoặc với ngành dệt may, tuy có sự phát triển mạnh mẽ, thích ứng trong tình hình dịch bệnh khá tốt, nhưng vẫn cần hỗ trợ giải quyết bài toán chủ động nguyên phụ liệu tại chỗ để phát triển bền vững, sẵn sàng thích ứng với các "cú sốc" tương tự trong tương lai…

Chính vì vậy, việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, các giải pháp thực hiện của các cấp, các ngành cần cụ thể, sát với nhu cầu, đúng trọng tâm để đạt hiệu quả cao trong thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và từng địa phương.

Hoàng Minh