Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ đang diễn ra từ ngày 12-13/5 tại thủ đô Washington DC, Mỹ. Ảnh minh họa: Getty/TTXVN

Ngày 12/5 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trước khi tổ chức các cuộc hội đàm tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong ngày 13/5.

Chính quyền của ông Joe Biden hy vọng những nỗ lực này sẽ cho các quốc gia thấy rằng, Washington vẫn duy trì sự tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cụ thể, cam kết tài chính mới bao gồm một khoản đầu tư trị giá 40 triệu USD vào cơ sở hạ tầng nhằm giúp khử carbon nguồn cung cấp điện của khu vực này, và 60 triệu USD cho an ninh hàng hải, cũng như khoảng 15 triệu USD tài trợ y tế để hỗ trợ phát hiện sớm COVID-19 và các đại dịch đường hô hấp khác, Hãng Thông tấn Reuters dẫn lời một quan chức cho biết.

Nguồn vốn bổ sung sẽ giúp các quốc gia phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và luật trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cũng sẽ triển khai một tàu đến khu vực này để giúp chống lại tội phạm trên biển.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang tập trung vào nhiều sáng kiến ​​hơn liên quan đến khu vực, bao gồm một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tên “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”, và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).

IPEF dự kiến ​​sẽ được khởi động trong chuyến công du của ông Joe Biden đến Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích và nhà ngoại giao cho biết, chỉ có 2 trong số 10 quốc gia ASEAN là Singapore và Philippines dự kiến ​​sẽ nằm trong nhóm các quốc gia đầu tiên đăng ký tham gia các cuộc đàm phán theo IPEF.

Đáng chú ý, hội nghị thượng đỉnh lần này đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN cùng nhóm họp trong một sự kiện tại Nhà Trắng, đồng thời cũng là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo do một Tổng thống Mỹ chủ trì kể từ năm 2016.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters)