Các ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn giữ nguyên mặt bằng lãi suất

Ngân hàng điều chỉnh lãi suất

Trong tháng 5 và đầu tháng 6, nhiều ngân hàng đã bắt tay điều chỉnh lãi suất huy động nhằm đón dòng vốn nhàn rỗi chuẩn bị tốt thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn phục hồi kinh tế. Theo khảo sát, so với 3 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong đầu tháng 6 tại một số ngân hàng được điều chỉnh tăng với biên độ từ 0,1 – 0,8%, lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường đang ở mức 7,3%/năm.

VIB là một trong số ngân hàng có mức độ điều chỉnh tăng mạnh nhất trên thị trường, với mức điều chỉnh tăng thêm 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng. Ngoài ra, kỳ hạn 3 tháng cũng được ngân hàng này điều chỉnh tăng thêm 0,5%, kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,4%. Hiện ngân hàng này đang duy trì mức lãi suất 4,0%/năm với kỳ hạn 3 tháng; 5,8%/năm 6 tháng; 12 tháng là 6,2%/năm.

Các ngân hàng khác như OceanBank, BaoVietBank, ACB, SHB... cũng thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất với mức phổ biến 0,1-0,4%/năm. Một số ngân hàng có biểu lãi suất huy động cao trên 7% như HDBank, Techcombank… Tuy nhiên để nhận được mức lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng các tiêu chí khá cao đi kèm như số tiền gửi phải trên 100 tỷ đồng, 999 tỷ đồng với thời hạn gửi trên 13 tháng…

Với khối ngân hàng có vốn Nhà nước, BIDV được xem là tiên phong khi mới đầu tháng 6, BIDV đã có những điều chỉnh biểu lãi suất sau gần 1 năm giữ nguyên biểu lãi suất huy động. Trong lần cập nhật mới này, BIDV vẫn giữa nguyên lãi suất huy động với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng và chỉ điều chỉnh tăng 0,1 điểm % lãi suất ở tất cả kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên và cố định ở 5,6%/năm.

Các ngân hàng có vốn Nhà nước còn lại tiếp tục giữ nguyên lãi suất so với các tháng trước và duy trì ở mức trung bình vẫn mức 3,3%/năm cho kỳ hạn 3 tháng; 4,0%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 5,5% cho kỳ hạn 12 tháng...

Lo lãi suất cho vay tăng

Trong khi nhiều nhà đầu tư đang "quay xe" với các lĩnh vực đầu tư từng “hot” như bất động sản hay chứng khoán… thì thời điểm này, gửi tiết kiệm trở thành là kênh đầu tư có những lợi thế riêng. Vì thế, việc điều chỉnh lãi suất tăng khá được lòng các nhà đầu tư không ưa mạo hiểm. Đến cuối tháng 5, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 58.800 tỷ đồng, tăng 5,7% so với đầu năm và kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm con số này sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ hơn.

Song trái ngược với các nhà đầu tư rủng rỉnh tiền thì nhiều DN lại tỏ ra lo lắng khi việc tăng lãi suất tiền gửi sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng theo.

“DN mới chỉ vừa phục hồi chưa có tăng trưởng đáng kể, trong khi đó các chi phí xăng dầu, vận tải, hàng hóa đều tăng cao. Nếu lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng, sức khỏe của DN sẽ bị tác động khi gánh thêm sức ép về chi phí vốn. Như vậy chủ trương hỗ trợ 2% lãi suất cho vay sẽ không có ý nghĩa trong khi ngân hàng mạnh ai nấy tăng lãi suất”, một DN bộc bạch.

Tại hội thảo kết nối khách hàng DN với các TCTD do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Thừa Thiên Huế tổ chức, ông Phạm Bá Nam, Giáo đốc NHNN Chi nhánh Thừa Thiên Huế khẳng định, với vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Riêng về chính sách hỗ trợ cấp bù 2% lãi suất trong 2 năm 2022-2023, quan điểm của NHNN là giữ nguyên lãi suất cho vay rồi mới cấp bù 2% lãi suất, không để xảy ra tình trạng nâng lãi suất cho vay.

Đại diện một số ngân hàng có vốn Nhà nước trên địa bàn cũng khẳng định, sẽ tiết kiệm các chi phí phát sinh để hỗ trợ tốt nhất cho DN trong giai đoạn phục hồi này, vì chỉ khi DN tăng trưởng tốt ngân hàng mới phát triển vững mạnh.

Bài, ảnh: Hoàng Anh