Nuôi tôm trong ao tròn là một trong những mô hình nuôi đòi hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc, thu hoạch nghiêm ngặt

Nhân rộng mô hình canh tác xanh, tuần hoàn

Những năm qua, nuôi tôm chân trắng ở vùng cát ven biển là đối tượng chủ lực, góp phần thúc đẩy phát triển nghề NTTS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Phong Điền là một trong những địa phương canh tác dải đất cát ven biển để NTTS lớn nhất Thừa Thiên Huế. Từ một vài hộ nuôi tôm chân trắng nhỏ lẻ, đến nay, nuôi tôm trên cát ở Phong Điền đã thu hút nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư nuôi trồng, thu mua, chế biến.

Một số tổ hợp tác, doanh nghiệp NTTS trên địa bàn đang đi theo hướng nuôi công nghiệp thâm canh. Trong đó, phải kể đến Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Phong Điền. Mong muốn tạo ra một sản phẩm độc đáo, đơn vị áp dụng những giải pháp kỹ thuật an toàn, công nghệ hiện đại trong nuôi và chế biến sản phẩm tôm, nhằm đạt được sản phẩm "tôm sạch" an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thị trường xuất khẩu bền vững và ổn định. Công ty áp dụng quy trình nuôi "an toàn sinh học" hiện đại nhất trên thế giới, tức quy trình tuần hoàn khép kín không thay nước. Quy trình này tuy tốn kém hơn rất nhiều so với hình thức nuôi du mục truyền thống, song lại đảm bảo nuôi lâu dài trên diện tích đất đầu tư. Năng suất nuôi tôm theo mô hình này lên đến 45 tấn/ha/1 năm/4 vụ, trong khi các ao nuôi lộ thiên đạt năng suất bình quân 15 tấn/ha/1 năm/2 vụ. Đến nay, công ty đã ứng dụng nuôi công nghệ cao trên diện tích 82,2ha tại huyện Phong Điền.

Ứng dụng công nghệ giúp nhiều đối tượng nuôi tăng năng suất

NTTS ứng dụng công nghệ cao bằng áp dụng KHCN tiên tiến, đầu tư cơ sở hạ tầng, hậu cần dịch vụ cho NTTS, thị trường và giải pháp về môi trường... đang được nhiều địa phương, đơn vị, hộ cá thể chú trọng đầu tư. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng Globalgap, ASC, BMP trên toàn tỉnh hiện có khoảng 120ha, NTTS sản xuất theo chuẩn VietGAP khoảng 12ha, nuôi trong nhà bạt theo công nghệ Biofloc hơn 80ha và có hơn 4.000ha nuôi xen ghép nhiều đối tượng thân thiện môi trường theo phương thức quảng canh cải tiến. Ngoài ra, diện tích có thể ứng dụng nuôi công nghệ cao trong thời gian tới khoảng trên 132ha tại các huyện Phong Điền và Phú Lộc.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra con giống chất lượng, an toàn ở Phú Vang

Đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất

NTTS trên địa bàn tỉnh chiếm ưu thế lớn trong ngành nông nghiệp nói chung  nhờ có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với diện tích 22.000ha được đánh giá cao ở khả năng duy trì đa dạng sinh học, thuận lợi cho nhiều loài động, thực vật sinh sống và phát triển, trong đó nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế, đặc hữu. Bờ biển của tỉnh dài 120km, diện tích đất NTTS 7.700ha, có các cửa biển, cửa sông tạo nên vùng nước lợ ven biển hàng nghìn ha là nơi sinh trưởng, phát triển của các loài thủy sản, rất thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao trong việc phát triển nuôi thủy sản nước lợ.

Trước đây, do thời tiết khí hậu thay đổi thất thường, môi trường vùng đầm phá ngày một ô nhiễm do hạ tầng vùng nuôi xuống cấp, không có sự đầu tư hợp lý, chất lượng con giống chưa thực sự tốt, ứng dụng KHCN chưa nhiều, nên ngành thủy sản nghiên cứu, khuyến cáo người nuôi vùng đầm phá chuyển đổi đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng để đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong sản xuất.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, tuy việc nuôi xen ghép đem lại hiệu quả, nhưng năng suất và sản lượng chưa cao. Do đó, muốn tăng hiệu quả cần tăng đối tượng nuôi này lên và việc cần làm là phải công nghiệp hóa NTTS để đảm bảo tính bền vững, hay nói cách khác là phải ứng dụng các nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo, đồng thời phải đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ, khép kín và được vận hành hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng.

Để thực hiện hiệu quả, trước hết cần phát triển các cơ sở sản xuất giống, chế biến thức ăn, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh có giá trị kinh tế cao, triển vọng như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá nước lợ như cá kình, cá đối, cá mú, cá hồng, cá nâu, cá ong bầu, cá dìa... Đẩy mạnh phát triển nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao kết hợp các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC,...) thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc; nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Bio-Floc… để tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Ngành KHCN cũng sẽ nghiên cứu, triển khai một số mô hình, dự án KHCN như: mô hình sản xuất giống tôm sú, cá biển vượt trội, ngắn ngày, chống chịu tốt với khí hậu thời tiết thay đổi thất thường do biến đổi khí hậu; mô hình nuôi tôm công nghệ cao tuần hoàn nước; mô hình nuôi thủy sản vùng đầm phá áp dụng KHCN để kiểm soát độ mặn, nhiệt độ, dinh dưỡng nhằm phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu; nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật nuôi xen ghép phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Ngoài đẩy mạnh ứng dụng KHKT, nhất là công nghệ tiên tiến và công nghệ cao còn cần thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để dẫn dắt khâu sản xuất, định hướng thị trường, tạo động lực để phát triển nông nghiệp, trong đó có NTTS.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG