Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe và gây ra nhiều bệnh. Ảnh: MC

GS. BS. Nguyễn Chấn Hùng đã được người bệnh biết đến như là một ông tiên trong điều trị bệnh ung thư. Ông là một người thầy mẫu mực với sự uyên bác về chuyên môn trong lĩnh vực ung bướu của ngành y khoa Việt Nam. Với cách nói chuyện nhẹ nhàng, hóm hỉnh và tầm hiểu biết uyên bác, GS. Nguyễn Chấn Hùng đã truyền cảm hứng cho bao người với thông điệp: Không ngừng nâng cao chất lượng sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống và làm nhẹ gánh lo ung thư.

Theo thống kê của GLOBOCAN - một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, thời điểm năm 2020, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Các ung thư phổ biến ở nam giới Việt Nam gồm: ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến. Trong khi ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến là ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan. Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.

Ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng tựu chung lại là 2 nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường...) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gen…). Nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng nhanh là do: Già hóa dân số; dân số tăng lên; rượu bia, thuốc lá (riêng hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi); chế độ ăn uống không hợp lý và ít vận động…

Theo GS. Nguyễn Chấn Hùng, tình trạng ung thư phổi gia tăng ở nước ta hiện nay là do thuốc lá và khói bụi ô nhiễm. Ung thư phổi là căn bệnh thường gặp nhất, đáng sợ nhất. Một trăm người mắc ung thư phổi thì trong đó có đến 90 người là do khói thuốc lá. Ô nhiễm không khí cũng góp phần làm tăng tỉ lệ ung thư phổi, nhưng không đáng kể bằng tác hại của khói thuốc lá.

“Có người thấy người khác bị ung thư phổi vẫn bình thản. Nhưng nếu điều đó xảy ra với chính bản thân mình thì hối hận đã muộn màng. Khi nằm trên giường với căn bệnh ung thư phổi, bệnh nhân nói với tôi, bây giờ họ “thèm thở” hơn là “thèm thuốc”. Lúc này chỉ cần được thở bình thường thôi đã là hạnh phúc rồi”. GS. Hùng chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh rằng, ung thư phổi do khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu. Hút thuốc lá tàn hại phổi, nhiều người biết chắc mà vẫn hút, chẳng nâng niu gì hết. Với người lớn hút thuốc lá, điều cần quan tâm nữa là làm sao có thể bỏ được thuốc lá và để trẻ nhỏ quanh mình không bị ảnh hưởng sức khỏe do hút thuốc lá thụ động.

“So với khói nướng đồ ăn cháy khét, khói nhang, khói nhang muỗi, khói xe, khói đốt rác thải nhựa... thì khói thuốc là độc hại nhất. Chúng ta nên quyết tâm chiến đấu để từ bỏ hút thuốc. Vì đây chính là một thói quen hết sức nguy hiểm và đây là mạng sống của chính mình, GS. Nguyễn Chấn Hùng nhắn nhủ.

ĐỒNG VĂN