Người dân Quảng Thái thu gom rơm bằng cơ giới
Các địa phương đang bước vào giai đoạn thu hoạch đại trà lúa hè thu. Ngoài tranh thủ thu hoạch nhanh gọn tránh lũ sớm thì việc ngăn chặn tình trạng đốt đồng đang được các địa phương, người dân quan tâm.
Theo ông Trần Hiếu ở xã Quảng Thái (Quảng Điền), nạn đốt đồng thường diễn ra phổ biến trong vụ đông xuân tại nhiều địa phương để kịp thời sản xuất hè thu. Sau thu hoạch vụ hè thu phải tạm dừng sản xuất do mùa mưa lũ, nhưng vẫn còn một số hộ chưa nhận thức nguy hại về đốt đồng nên vẫn tái diễn.
Riêng với xã Quảng Thái đang triển khai các biện pháp đồng bộ trong quản lý nạn đốt đồng sau thu hoạch lúa hè thu. Cán bộ địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát quá trình thu hoạch, sau thu hoạch của người dân. Ông Hiếu cũng như bà con nông dân vừa thu hoạch lúa vừa có trách nhiệm giám sát, theo dõi tình trạng đốt đồng của người dân. Nếu phát hiện đốt đồng, bà con sẽ báo với chính quyền địa phương, phản ánh lên Hue-S.
Đến thời điểm này, tại xã Quảng Thái có hơn 70% diện tích lúa hè thu đã thu hoạch xong. Dự kiến trước mùng 5/9 sẽ thu hoạch xong toàn bộ lúa hè thu tại địa phương. Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, ông Phạm Công Phước khẳng định, đến thời điểm này, tại địa phương chưa phát hiện tình trạng đốt đồng sau thu hoạch. Tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn không chủ quan, tiếp tục quản lý, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình đốt đồng.
Tại một số địa phương ở Quảng Điền nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đang hợp đồng với các chủ máy cuốn rơm để thu gom rơm trên đồng ruộng ngay sau thu hoạch lúa. Biện pháp này tốn chi phí thấp, khoảng 10-15 ngàn đồng/cuộn, nhưng mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, được nhiều hộ hưởng ứng tích cực, hạn chế tối đa tình trạng đốt đồng.
Người dân thu gom rơm trên đồng
Đốt rơm rạ trên đồng một phần giảm chi phí xử lý rơm sau thu hoạch, phần khác theo nhận thức của người dân là tận dụng tro của rơm làm phân bón cho ruộng. Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ một cách bừa bãi, không chỉ gây ô nhiễm về môi trường đồng ruộng, làm xuất hiện khói, bụi ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn làm che khuất tầm nhìn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Đức thông tin, trước thực trạng này, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang hỗ trợ, vận động nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom, vận chuyển rơm rạ. Đồng thời ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người dân kết hợp thu gom rơm dự trữ làm thức ăn chăn nuôi gia súc trong mùa mưa bão, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng đốt rơm rạ trên đồng sau thu hoạch, các ban ngành, địa phương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập đường dây nóng, triển khai ứng dụng Hue-S để tiếp nhận phản ánh về tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, đường giao thông để có biện pháp xử lý. Các thông tin phản ánh được chuyển trực tiếp cho lãnh đạo UBND cấp huyện, xã để được xử lý kịp thời.
Quá trình giám sát, kiểm tra thu hoạch, cán bộ địa phương, ngành nông nghiệp kết hợp tuyên truyền, phổ biến về tác hại của việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng để người dân biết và tự giác chấp hành. Theo thẩm quyền quy định, chính quyền địa phương kiểm tra và sẽ xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên đồng ruộng cũng như trên đường, gây trở ngại và làm mất an toàn giao thông.
Bài, ảnh: Triều Phước