Di cư lao động được kỳ vọng sẽ phục hồi và có khả năng vượt mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Tờ Bernama ngày hôm nay (30/8) dẫn nguồn tin từ Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho hay.
Di cư lao động ASEAN có khả năng sẽ vượt mức trước đại dịch. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Ban Thư ký ASEAN, sự phục hồi này là nhờ vào sức mạnh phục hồi kinh tế được kỳ vọng ở các quốc gia thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, những lý do khác bao gồm sự chênh lệch tiếp tục mở rộng về phúc lợi kinh tế - xã hội giữa các quốc gia xuất phát và quốc gia đến, áp lực nhân khẩu học, cũng như khoảng cách theo ngành hoặc vai trò trong các thị trường lao động.
Trong ấn bản đầu tiên của ấn phẩm “Triển vọng Di cư ASEAN”, Ban Thư ký ASEAN cho rằng, sự suy thoái kinh tế từ đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng mất việc làm lớn, lao động di cư trở về ồ ạt và việc tuyển dụng giảm mạnh trong 2 năm qua.
Tuy nhiên, khu vực này được dự báo sẽ trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch, hoặc gần với mức tăng trưởng đó bắt đầu từ năm 2022, và sẽ đạt được mức trước đại dịch vào năm 2022 hoặc năm 2023, sau khi chứng kiến sự suy thoái kinh tế trong năm 2020 và mức tăng trưởng trầm lắng vào năm 2021.
Ngoài ra, Ban Thư ký ASEAN cũng lưu ý, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng ở mức 5,7-5,8% vào năm 2022 và 4,5-5,7% vào năm 2023. Do đó, sức tăng trưởng mạnh mẽ tại quốc gia này sẽ được kỳ vọng trong các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư. Chẳng hạn như các lĩnh vực xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, thương mại bán buôn và bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, lưu trú, cùng các dịch vụ khác. Trước đó vào năm 2019, những lĩnh vực này đã chiếm khoảng 80% tổng số lao động nhập cư tại Malaysia.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Bernama)