Sông Hương trong lành
Cái cảm xúc được nước nâng lên thật là mềm mại và việc ngắm bầu trời trên cái nền sóng sánh ấy thiệt khác xa với nằm trên cỏ hay trên cát. Chị trở lại thú vui bơi trên sông Hương như là một môn thể dục buổi sáng thay cho đi bộ hay đạp xe và bất ngờ nhận được món quà tặng khác: ký ức những ngày xưa thơ ấu cứ lần lượt hiện về, tuần tự như mở lại từng tờ lịch cũ. Không, đó là những đoạn phim ngắn thì đúng hơn với đầy đủ hình ảnh là mấy cái đầu nhấp nhô, lặn hụp rồi trồi lên lấy hơi, những cánh tay khẳng khiu nhưng cố sải thật dài, khoát nước tung tóe và tiếng hò reo, cười đùa inh ỏi của cuộc thi bơi do anh đầu chị tổ chức cho bầy con nít trong xóm.
Âm thanh của ký ức ngày thơ ấu ấy nay được thay bằng tiếng hát của chị Vân. Trong nhóm “Những cô nàng mê sông Hương” ấy, chị Vân là người thích hát và hát hay nhất. Khó để nghĩ một người U70 tuổi như chị mà giọng hát còn vút cao và rất diễn cảm. Giữa trời nước trong xanh, giữa những người bạn mới, chị bỗng thấy cuộc đời thật nhẹ. Chị Vân hát cho mọi người nghe nhiều khi với một lý do rất dễ thương “Hôm ni luyện để vài ngày nữa lên hát mừng đám cưới cháu. Sợ nhất là quên lời, lên sân khấu mà cứ lo về lời là trật nhạc hết”. Niềm vui, lòng yêu đời của chị Vân như một nguồn năng lượng tinh khiết truyền sang mọi người, hèn chi mà từ cách đây nhiều năm, “Những cô nàng mê sông Hương” đã làm được cái việc mà nhiều người cho là bao đồng, là nhỏ, đó là gắn việc bơi trên sông Hương với việc vớt rác, làm sạch khúc sông mình tắm. Từ các chị, mọi người đã không còn ngần ngại thể hiện tình yêu của mình với sông Hương từ những việc làm nhỏ nhất.
Điểm check-in, đi dạo, thư giãn
Bây giờ thì sông Hương không còn cảnh rác nổi lềnh bềnh như cách đây mấy chục năm. Nước sông trong xanh, nhiều bến tắm cũ và bến tắm mới được xây dựng đàng hoàng, sạch đẹp. Cái cảnh mỗi sáng, mỗi chiều ở bến này, bến nọ, ông bà và các cháu, cha mẹ và con cái, bạn bè... cùng bơi trên sông sao bình yên chi lạ.
Nhớ mãi cái cảm xúc ngày trở lại với “dòng Hương xanh”, khi nước sông Hương nâng chị lên, chị bỗng nhận ra mình đã xa dòng sông này lâu quá, rằng nước thật mềm mại, sao không nhớ mà tìm về lại sớm hơn để được dòng sông tuổi thơ vỗ về, ôm ấp và biết đâu, có thể xoa dịu những vết cào xước “Tôi giơ tay ôm nước vào lòng/Sông mở nước ôm tôi vào dạ” (Tế Hanh). Chị suy nghĩ mãi, ngần ngại khi dùng cụm từ “tình yêu quê hương” để nói về tình yêu của mình đối với dòng sông, sợ nó to tát quá, vượt xa ý nghĩa của việc đi tắm sông, đi bơi nhưng thiệt tình là khi dòng nước nhấp nhô đưa chị ra xa bờ theo cái kiểu bơi chó - kiểu bơi của tất cả những đứa con nít xóm chị hồi đó (không thầy dạy, cứ quẫy, đạp, khoát tay để nổi trên nước) thì chị nhận ra rằng nước sông Hương đã ngấm vào mình từ lâu lắm rồi, cũng như đã ngấm vào máu thịt của bao thế hệ người dân Huế khi cùng uống chung một dòng nước. Chị thầm thì với chính mình, đó là tình yêu quê hương, đâu cần phải là cái gì to tát.
Thỉnh thoảng một chiếc thuyền nhỏ chạy ngang qua theo hướng từ biển lên, tiếng máy từ xa vọng đến rõ dần, âm thanh như nhờ có mặt nước mà vọng to hơn, thuyền qua rồi để lại những cơn sóng nhấp nhô vỗ bờ. Từ bên này đất Kim Long nhìn sang bên kia Long Thọ, một triền cỏ xanh mềm mại ôm lấy bờ sông. Ở đoạn này nếu bơi ra giữa dòng có thể nhìn thấy tháp chùa Thiên Mụ, nơi ấy, mỗi sớm mai, mỗi chiều tối đều vang lên 108 hồi chuông công phu. Khoa học đã chứng minh nước cũng là môi trường truyền âm, vậy thì hàng trăm năm qua, bao nhiêu hồi chuông từ ngôi danh lam này mang theo ý niệm từ bi, hỷ xả đã đi vào dòng sông, tan trong nước, ngấm vào đất nuôi dưỡng cây cỏ và cả tâm hồn con người. Sông Hương trở thành dòng sông thiền để một buổi chiều nao khi vòng xe mưu sinh mệt nhoài, một người con Huế đã “Dừng lại bên cầu nghe nước chảy/Chợt thấy mình: Một giọt nước Hương giang”( Phương xích lô). Chị cũng mong mình là một giọt nước Hương giang để ít nhất cũng làm xanh mềm những cây cỏ dại ven bờ.
Bài: XUÂN AN - Ảnh: TUẤN KIỆT