Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư. Ảnh: D. Trương

Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, báo cáo của 1.400 bệnh viện trên cả nước cho thấy, có tới 70-75% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, tim mạch, ung thư…). Trong đó, một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh là thuốc lá. Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư, nhất là ung thư phổi, chiếm 95%. Khói thuốc lá tác hại tới bệnh tim mạch, ảnh hưởng tới đột quỵ, chiếm tới 90%. Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá là vấn đề y tế công cộng. Do vậy, không thể chỉ riêng ngành y tế triển khai công tác này, mà cần phải có sự phối hợp hết sức chặt chẽ của các bộ, ban ngành và toàn xã hội. Nếu không tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thì ngành y tế và xã hội vẫn phải đối mặt với những gánh nặng về sức khỏe do thuốc lá gây ra.

Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn rất cao. Trung bình cứ 2 người nam giới ở tuổi trưởng thành thì có một người hút thuốc lá. Theo Bộ Y tế, sau 10 năm triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới giảm 5% nhưng vẫn còn cao, vẫn nằm trong nhóm 15 nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 9/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các bệnh không lây nhiễm, như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường… là nguyên nhân của 74% ca tử vong trên toàn cầu. WHO cũng nhấn mạnh, bệnh không lây nhiễm có thể ngăn ngừa được vì chúng ta đã biết các yếu tố nguy cơ chính gây bệnh, cũng như cách tốt nhất để giải quyết chúng. Cụ thể, hút thuốc lá, ăn uống thiếu lành mạnh, lạm dụng bia rượu, lối sống không vận động và ô nhiễm không khí được xem là các nguyên nhân chính làm tăng bệnh không lây nhiễm. Riêng hút thuốc lá đã gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm; trong đó, hơn 1 triệu ca tử vong là ở những người không hút thuốc - những người ngoài cuộc vô tội.

ĐỒNG VĂN