Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6, khóa 13. Ảnh: Chinhphu.vn

Một trong 5 nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 6, khóa13 thông qua là ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới”. Những vấn đề đặt ra được nhiều hội thảo khoa học chuyên đề lý giải tương đối hoàn chỉnh từ sau Đại hội Đảng lần thứ 13. Đã có những luồng ý kiến của bên ngoài và những nhà “lý luận dân chủ” trong nước đặt vấn đề tại sao không phải Nhà nước đưa ra vấn đề này mà lại là Đảng? Có nhất thiết phải gắn với “cái đuôi xã hội chủ nghĩa”?

Nhà nước Việt Nam cũng có những đặc trưng và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về Nhà nước pháp quyền nói chung. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong tư tưởng chỉ đạo, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ khi giành được độc lập và quá trình xây dựng đất nước. Các đặc trưng, nguyên tắc và thi hành trên thực tế được đánh giá bằng trình độ, thực thi quản trị nhà nước, đảm bảo những quyền cơ bản của người dân.

Nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ là đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt nam. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội hiện nay vẫn tồn tại nhiều tiêu cực, nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi, chấp hành pháp luật chưa thực sự đầy đủ đang còn là rào cản cho hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Đặt vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền là đòi hỏi cần thiết nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân, xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh.

Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Tổ chức Đảng và đảng viên gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình trong lãnh đạo đất nước. Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật; thực hiện Điều lệ và tuân theo pháp luật (Điều 4 Hiến pháp).

Từ thực tế hơn 3/4 thế kỷ đến nay, Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước ở Việt Nam là tất yếu lịch sử, có cơ sở pháp lý và tính ổn định vững chắc trong suốt chặng đường cách mạng. Đảng duy nhất cầm quyền không trái với với bản chất Nhà nước, mà có ý nghĩa quyết định trong lãnh đạo và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đó là đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Phương châm cơ bản là Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động, thông qua đường lối, phương hướng chính trị, lãnh đạo Nhà nước thực hiện quyền hạn quản lý đất nước, xã hội. Chính vì vậy, Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước pháp quyền XHCN là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tế khách quan, khẳng định vai trò duy nhất trong lãnh đạo toàn diện đất nước.

Nhà nước thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng bằng hoạt động quản lý, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, xã hội. Hiến pháp 2013 xác định: “Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”; “Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”;  “Quyền lực Nhà nước là thống nhất và có sự phối hợp, kiểm soát giữa cơ quan Nhà nước trong lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Nội dung về Nhà nước pháp quyền lần đầu được đề cập tại Hội nghị Trung ương 2 (khóa 7, tháng 11/1991), tiếp tục hoàn thiện trong các kỳ Đại hội Đảng khóa 9, 10, 11 và tiếp tục được khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13. Đảng ra chủ trương, ban hành nghị quyết là không trái với nguyên tắc vận hành, không làm thay bản chất Nhà nước chuyên chính vô sản, nhưng được nâng lên mục tiêu cao hơn về Nhà nước kiểu mới.

Do tính chất như vậy nên Hội nghị Trung ương 6 (khóa 13) chủ trương ban hành nghị quyết mới là nhằm từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền vững mạnh, đủ tầm, thúc đẩy đất nước phát triển.

Những thành công trong xây dựng đất nước hơn 70 năm qua, nhất là thành tựu nổi bật sau hơn 30 năm đổi mới có cơ sở khoa học, chứng minh con đường đi lên CNXH là phù hợp với đặc điểm của Việt Nam. Dù chưa đi đến mục tiêu cao nhất nhưng đã thoát khỏi nước có thu nhập thấp, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng cao. Điều đó lý giải tại sao phải gắn mục tiêu XHCN trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong cuốn sách: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” là từ đúc kết thực tế và đang được chứng minh đầy đủ, sinh động ở đất nước ta. Đó là tiền đề vững chắc cho mục tiêu mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đang từng bước đem lại cho đất nước, Nhân dân. Những “nhà lý luận dân chủ” thiếu thiện cảm chỉ trích, phê phán cho CNXH là “bóng ma”, xã hội “dặt dẹo”, “lạc hậu” như Việt Nam là bóp méo sự thật. Chúng cố tình không hiểu rằng cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam bằng sự phát triển mạnh mẽ, vượt qua thử thách của đại dịch và suy thoái kinh tế chung toàn cầu là một điểm sáng của thế giới trong thời điểm hiện nay.

Cương lĩnh xây dựng đất nước đi theo con đường XHCN, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền là đường lối đúng đắn, phản ánh được khát vọng của dân tộc, Nhân dân ta. Đến thời điểm này, Việt Nam không những không phải là “bóng ma” mà đang dần trở thành giấc mơ của người dân nhiều nước trên thế giới.

NGUYỄN AN HÒA