Tiếp và làm việc với đoàn có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo Sở GD&ĐT và UBND huyện A Lưới.

Tại buổi làm việc

Thừa Thiên Huế chọn huyện A Lưới để triển khai Chương trình “Điều ước cho em” bởi đây là huyện miền núi, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Người dân nghèo vùng cao chủ yếu làm nông lâm nghiệp; nhiều trường học cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thốn, trang thiết bị hỗ trợ dạy và học còn nhiều khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Các chế độ chính sách được phê duyệt đã mở ra thêm nhiều các cơ hội giúp các đối tượng khó khăn và yếu thế ở A Lưới được hưởng thụ chất lượng giáo dục tiến bộ một cách bình đẳng.

Điển hình như trong chương trình ký kết hàng năm, ngành GD&ĐT cùng Tỉnh đoàn đã đưa nội dung địa chỉ sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục vùng xuôi, vùng có điều kiện thuận lợi với cơ sở giáo dục vùng cao còn khó; phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện chương trình dự án “Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường”, dành cho hơn 20 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận được sự chăm sóc nuôi dưỡng từ sự chung tay của các chiến sỹ và sỹ quan.

Trẻ em vùng cao được quan tâm tạo điều kiện học tập 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh luôn quan tâm, triển khai các chương trình, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, mạng lưới hệ thống trường lớp...Tập trung đổi mới, thực hiện chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT.

Tỉnh cũng phát động nhiều phong trào và cuộc thi, vừa tổ chức các hoạt động vừa nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh trong thực hiện chuyển đổi số; quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan trường học sáng – xanh - sạch - đẹp, thân thiện. Tập trung cho một số vùng có hoàn cảnh khó khăn. Huyện A Lưới là một trong những huyện nghèo, nên tỉnh đang huy động nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng đánh giá, chương trình kết nối nguồn lực xã hội, xây dựng trường học an toàn, thân thiện là chương trình ý nghĩa, thiết thực, nhất là ở những vùng, địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Đồng thời, mong muốn thời gian tới, Trung ương, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành cùng cộng đồng xã hội tiếp tục đồng hành, kết nối với địa phương, thực hiện các chương trình ý nghĩa để giúp đỡ, hỗ trợ các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực miền núi.

Nhiều phần quà ý nghĩa được chia sẻ 

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn và ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai, dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ luôn xác định, huy động, kết nối nguồn nhân lực để xây dựng trường học an toàn, thân thiện là giải pháp quan trọng, đồng thời, là trách nhiệm của ngành giáo dục và toàn xã hội.

Trong năm 2022, Bộ GD&ĐT chọn Thừa Thiên Huế để triển khai thực hiện. Trước mắt, tập trung đầu tư các công trình thiết yếu như, nhà công vụ, công trình vệ sinh, nước sạch, y tế học đường, sân chơi, bãi tập, văn hóa ứng xử trong học đường, đổi mới sáng tạo quản lý. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT kết nối, hỗ trợ nguồn lực để cải thiện bữa ăn học đường, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong thời đại mới.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ lên phương án và nỗ lực kết nối với các nguồn lực xã hội, sớm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các hạng mục trong trường học, góp phần nâng cấp cơ sở vật chất trường học, xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện.

Dịp này, các đơn vị tài trợ đồng hành cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã trao tặng nhiều phần quà có ý nghĩa đến với ngành GD&ĐT tỉnh.

LÊ THỌ