Phố đi bộ - phố đêm đường Hai Bà Trưng đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn thiện. Nó chưa thành hình một cách hoàn chỉnh nhưng nhìn và cảm nhận, thấy đã “chịu chơi”. Lát nữa hãy trở lại bàn đôi chút về tuyến phố này. Còn bây giờ, xin nói về vài khía cạnh khác. Huế chưa giàu có hơn một số tỉnh, thành khác, nhưng Huế ngày càng có nhiều công trình công cộng đẹp ra đời. Nhìn ở khía cạnh nào đó, các công trình công cộng thường gắn chặt với cảnh quan đô thị. Chính nó sẽ tôn lên vẻ đẹp của đô thị và có thể là ngược lại. Bộ mặt đô thị đẹp hay không đẹp, có ấn tượng hay không phụ thuộc một phần rất lớn vào điều này.

 Trước đây khi kinh tế chưa phát triển nhiều thì không nói làm gì. Phàm là thế, đã đói thì lo cái ăn cái đã, cái đẹp để đấy tính sau. Nhưng từ khi kinh tế “rủng rỉnh”, phát triển cộng với những điều kiện cả chủ quan và khách quan đưa đến, ví dụ như du lịch phát triển, rồi những định hướng xây dựng thành phố theo hướng sinh thái, rồi có thể có cả phong cách sống, nhu cầu sống, khuynh hướng thẩm mỹ của cả người dân sở tại và du khách thay đổi theo hướng cao hơn, sang hơn cũng thúc đẩy… Huế “chơi” sang hơn.

Mà sang thật. Nhiều năm sống ở Huế, quan sát và ngẫm nghĩ, tôi thấy cách kiến tạo không gian đô thị của Huế (ở đây không đề cập đến những yếu tố có từ xưa) vừa mở ra chiều rộng và đi vào chiều sâu. Chiều sâu ở đây được hiểu là sự chú tâm tạo nên điểm nhấn đô thị, tức là tạo ra cái riêng biệt, cái mà khi nói đến Huế là người ta có ngay ấn tượng, người ta biết và nhớ. Tôi có thể ví von nó như một trận bóng đá trong World Cup đang diễn ra vậy. Một đội bóng có ngôi sao, có nhiều ngôi sao sẽ tạo ra một thế trận khác hẳn và được chờ đợi với những trận đấu mà hai đội sàn sàn, chẳng có ngôi sao nào, cứ chuyển bóng qua lại chẳng có gì đột phá gì. Xem những trận bóng như vậy quả là buồn ngủ. Huế đã vượt qua được cách này - nghĩa là đã trở thành “đội bóng có ngôi sao”.

Huế đẹp là nhờ đường phố. Đường nào cũng được chăm chút và rợp bóng cây xanh. Những con đường cũ gắn với cây cổ thụ thì đã đành, những con đường mới mở ra cây xanh cũng đi theo. Sự định hình và hoàn thiện cả một không gian đô thị rộng lớn thì còn nhiều việc phải làm, chúng ta không kỳ vọng nó sẽ có ngay trong ngày một ngày hai mà ở đây, muốn nói về ý thức để xây dựng nên nó, tạo nên hình hài cho nó.

Huế đẹp là nhờ những dòng sông. Huế là một thành phố rất nhiều sông. Đã nhiều sông thì nhiều bờ sông, nhiều cầu bắc qua sông. Tất cả những yếu tố này đã được chỉnh trang, tôn tạo hàng chục năm qua. Và bây giờ nhìn các dòng sông đều đẹp!

Huế đẹp là nhờ các yếu tố mang tính lịch sử. Nhưng điều tôi muốn đề cập, như trên đã nói là Huế biết tạo ra những điểm nhấn đô thị ở thì hiện tại.

Cầu gỗ lim trên sông Hương khi mới làm có lời ra tiếng vào, nhưng bây giờ thử hỏi nó có đẹp không? Hay hỏi người dân và du khách. Không hấp dẫn họ sẽ không chịu khó đến đây sớm để đón bình minh, ngắm hoàng hôn dần xuống trên dòng sông Hương, họ sẽ không bận tâm check-in. Tức là nó đẹp. Chẳng những đẹp mà còn “độc” nữa, nhiều nơi trong cả nước không có. Thế thì trước đây họ nhớ đến Huế là nhớ quần thể di tích, nhớ cầu Trường Tiền, dòng sông Hương… và giờ còn nhớ đến một nơi có cầu gỗ lim đặc biệt nữa.

Rồi cảnh quan hai bên bờ sông Hương. Muốn đi bộ cũng được, đạp xe cũng được. Muốn đến sông thì phải qua rừng cây, thảm cỏ. Không có nhiều không gian yêu kiều như vậy. Ít nhất là tôi biết được ở các tỉnh miền Trung. Hai bên bờ sông Hương còn có các bảo tàng mà chẳng nơi nào có được, như Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng điêu khắc Điềm Phùng Thị…

Giờ trở lại đường đi bộ, phố đêm Hai Bà Trưng. Phải định hướng và làm cho nó có đẳng cấp ngay từ đầu. Ngay cách chọn vật liệu là đá để lát vỉa hè, lát một đoạn nền đường trọng tâm đã cho thấy điều này. Con đường này nó phải khác biệt với những con đường khác. Chưa biết thế nào nhưng có lẽ những nhà hoạch định, đầu tư muốn nó là một sản phẩm khác biệt, tức là tạo ra một điểm nhấn khác nữa cho Huế.

 Nói Huế càng ngày càng “chơi” sang, điều đó là cần thiết và có lẽ là không quá lời.

NGUYÊN LÊ