Tôi và Mark – một du khách người Úc ăn sạch nắm cam rừng trên tay khi biết loại quả này tốt cho hệ hô hấp và tiêu hóa. Trước đó, nghe từ cam dại, theo bản năng, tay trống người Úc này lột vỏ, bỏ nguyên quả vào miệng nhai. Và “Wow”! Vị chua quả rừng khiến mọi người trong đoàn khách nhìn Mark không nhịn được cười. Sau khi nghe giải thích giá trị của tinh dầu, vị ngọt pha chút nhân nhẫn vỏ cam, ai nấy đều trầm trồ về công dụng của quả cam be bé, xinh xắn mọc trên rừng này. Tôi đưa cho Mark một túi nhỏ dặn bỏ vào ba lô, ăn buổi sáng “điều trị” cho chiếc mũi nghẹt và cái cổ đang ho, mớ cam rừng còn lại tôi móc vào xe vì biết rằng mình khó vượt qua cơn ẩm ương sau một ngày dầm mưa A Lưới.

Bán quả rừng ở chợ A Lưới

Hôm ấy, trong hành trình vào sân bay A So, bà con dúi vào tay những cô gái dưới xuôi lên khảo sát dệt dèng mấy chùm dâu sặc vàng tươi. Thế hệ 7X, 8X chúng tôi quá quen thuộc với loại quả rừng này, nhưng các bạn trẻ gen Z thì hoàn toàn lạ lẫm với chúng. Nhớ cái thời đi học tiểu học, chùm dâu sặc ấy chỉ vài đồng song cái thú dùng tay búng nhẹ để vỏ dâu văng ra hết khiến bọn trẻ con rất thích loại dâu búng này. Sau hơn ba chục năm mới gặp lại cái thú vui hồi trẻ con ấy khiến tôi cứ mân mê chùm dâu trong tay.

Nhớ hồi tháng 9 dừng chân bên vệ đường mua dâu búng của mấy cô bé Pa Kô, mỗi chùm khi ấy mười lăm ngàn, bạn tôi đổ hết dâu từ gùi vào túi mang về xuôi: “Mua hết cho tụi nó có tiền sắm sách vở”! Cứ nghĩ hễ vào rừng sẽ hái được dâu sặc, hôm nay mới nghe các bà, các chị kể cây này trong rừng sâu thân to hai người ôm, muốn hái được nó phải trèo cao dữ lắm, sẩy tay là trả giá đắt. Tôi chợt rùng mình!

Có lần vì tò mò, chúng tôi theo chân nhóm thợ vào rừng hái quả, thế nhưng sau 30 phút vào cánh rừng không thấy ánh sáng mặt trời, ai nấy đều hụt hơi. Cũng may nhóm hái được ít rau xà lách xoong gọi là có “thành tựu” khám phá rừng già. Hành trình tự mình trở ra đường chính tìm về đồi Thịt Băm hôm ấy diễn ra trong thinh lặng vì đói, mệt. Một đoàn người dưới xuôi nối đuôi nhau động viên “cố lên” để ra vùng ánh sáng tự nhiên, tìm lại âm thanh của xe, của đàn bò… Thứ giúp chúng tôi phục hồi sức lực thời điểm ấy là vạt mâm xôi rừng trải dài. Chả ai bảo ai, cứ thế xông đến, hái, ăn, hít hà, nâng niu từng nắm mâm xôi đỏ mọng trong tay. Thêm chút “vitamin” từ rừng xong ai nấy khỏe lên vài phần, lại gom được một hộp lớn mang về thành phố. Lần đầu tiên chúng tôi thấy biết ơn quả rừng.

Lên chợ vùng cao A Lưới, tôi vẫn giữ thói quen tìm đến những người bán quả trong gùi. Mỗi thứ, các bà mẹ, các chị chỉ hái một ít nhưng để có được chút lộc rừng này, ắt hẳn họ đã đổ nhiều mồ hôi, công sức và đối mặt với hiểm nguy. Một mớ quả bứa chua thanh có thể nấu canh hoặc cung cấp vitamin C giải nhiệt. Mớ hạt dẻ rừng bùi bùi beo béo giúp bạn đỡ buồn miệng mùa đông. Nắm hạt tiêu rừng cho chén cơm, miếng thịt dậy mùi thơm nơi góc bếp… Chúng mang nặng ân tình núi rừng ban tặng cho con người và cả giọt mồ hôi thấm sau lưng gùi của một ngày băng rừng. Tôi ước người mua đừng trả giá nặng nhẹ, hãy đem chúng theo hành trình để cảm nhận được hương vị của sông suối, núi đồi hồn hậu nơi đây.

Bài, ảnh: L.Tuệ