Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Dương Giang.

Dự họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là áp lực từ bối cảnh thế giới, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nền kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhìn lại tình hình 11 tháng qua, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn hơn, một số nền kinh tế lớn có dấu hiệu suy thoái; lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, lãi suất và sự giảm giá tiền tệ ở nhiều quốc gia tiếp tục gia tăng; tình hình dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược vẫn diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường thế giới giảm sút cộng hưởng với đứt gãy nguồn cung chưa được khắc phục, tác động mạnh đến thương mại và sản xuất kinh doanh của nhiều quốc gia, nhất là những nền kinh tế có độ mở lớn, trong đó có Việt Nam; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu... tiếp tục là vấn đề cần quan tâm.

Thủ tướng Phạm Minh chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chính sách tài khoá, tiền tệ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong nước, sau 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, sức khỏe của nền kinh tế bị bào mòn, trong khi phải đối phó với các cú sốc từ bên ngoài và thực hiện chấn chỉnh lại hoạt động của một số thị trường như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... để các thị trường này hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung điều hành, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung xử lý các vấn đề lớn, mới phát sinh, nhằm tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế; theo dõi chặt chẽ tình hình doanh nghiệp, lao động, việc làm, chủ động có giải pháp hỗ trợ kịp thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Chỉ tính riêng trong hơn một tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 40 văn bản gồm 3 thông báo kết luận, 1 quyết định, 1 chỉ thị, 5 công điện, 4 công thư và 33 văn bản chỉ đạo, điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ...; các bộ, ngành cũng vào cuộc mạnh mẽ. Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác của Chính phủ để xử lý các vấn đề mới nổi liên quan tài chính, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức 3 hội nghị để mở rộng thị trường trên thế giới...

Nhờ đó, tình hình ổn định trở lại, các thị trường có tín hiệu tích cực; một số vấn đề đột xuất nảy sinh được xử lý chắc chắn; hiện tượng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế được khắc phục; hoạt động kinh doanh xăng dầu bình thường trở lại... Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn.

Thủ tướng yêu cầu Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là rà soát những mặt được, chưa được của các giải pháp đang thực hiện; phân tích, dự báo tình hình; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo nước rút hoàn thành các nhiệm vụ, về đích năm 2022 an toàn, hiệu quả và chuẩn bị điều kiện thực hiện các nhiệm vụ năm 2023.

“Càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, bản lĩnh, linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng để đạt hiệu quả cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo TTXVN