Nhà vườn xanh mát
Cuộc đất Kim Long có ngôi làng cổ chiếm vị thế thoáng đãng, khá rộng rãi lại nằm sát bờ sông Hương, lấy trục sông Hương làm tiền án. Nơi đây chỉ cách chùa Thiên Mụ chừng cây số. Là cuộc đất tụ linh khí đã được chúa Tiên Nguyễn Hoàng lựa chọn để đứng chân lâu dài cho con cháu của ông qua câu chuyện Mụ Nhà Trời khoác áo đỏ hiển linh mà dựng chùa.
Nhận xét về vị thế của phủ Kim Long ngày ấy, Linh mục Alexande De Rohdes (1591 - 1660) đã miêu tả cảnh tượng dinh thự, phố xá phủ Kim Long qua tác phẩm Hành trình và Truyền giáo như sau: “Thành phố mà chúa ngự trị gọi là Kehue (Kẻ Huế), công phủ trông rất đẹp, số lượng các công tôn vương tử rất đông và trang phục bảnh bao nhưng các dinh thự không nguy nga lắm chỉ vì được làm bằng gỗ song cũng rất thuận tiện và tráng lệ do các cột nhà được chạm trổ rất công phu và mỹ thuật”.
Vào thời ấy, nơi đây đã có bến cảng đường sông tấp nập, tàu thuyền của vương phủ và thuyền buôn trong nước và người nước ngoài lui tới thường ngày. Nhớ câu ca xưa trong dân gian vẫn còn truyền tụng đến ngày nay: “Kim Long dãy dọc tòa ngang/Em chèo một chiếc thuyền nan về Sình”, chứng tỏ, thủ phủ Kim Long bấy giờ đã trở thành một nơi sầm uất của một đô thị mới thuộc xứ Đàng Trong.
Với cách nhìn của Linh mục Alexande De Rohdes và dưới con mắt của nhiều người nước ngoài có mặt ở đây từ cuối thế kỷ 17, cuộc đất Kim Long bấy giờ đã là thành phố (ville) sầm uất. Người phương Tây như Bồ Đào Nha, Hòa Lan, người Pháp đã phát âm một cách cực nhọc thuật ngữ Thuận Hóa thành Sinua, Senua, Sennua, Sigoa theo lối phát âm từ ghép chỉ địa danh xứ Thuận Hóa sang tiếng Latin để trở thành Huê. Từ đó Huê thành Huế.
Nhiều người cho rằng, theo quy luật biến đổi ngữ âm thì Hoa biến thành Huê, Hòa biến thành Huề, Hóa biến thành Huế. Ngày nay trên các giấy tờ xưa, sớ điệp, văn tự, khế ước cũng đều ghi Thuận Hóa là thành phố thay vì chỉ ghi một từ Huế để người ta viết Hóa (化) rồi lại đọc Huế.
Tôi thường lang thang dọc dải đất miền Trung, trong tâm thức sâu thẳm của mình, tôi trăn trở nhiều về ngữ nghĩa của danh xưng Huế. Chỉ một chữ Huế thôi mà bạc đầu vẫn chưa cắt nghĩa được. Và tôi cũng tự hỏi, phải chăng Hóa trong Thuận Hóa đã biến thành Huế như lâu nay người ta giải thích là đúng?
Khó cắt nghĩa cho vừa lòng người nghe đã mặc định một chữ Hóa mà ra để thành Huế. Và tôi nghĩ rằng, giải thích cắt nghĩa từ Huế theo cách này e không thuyết phục, không chính xác lắm, vì nguyên thủy của nó là châu Thuận và châu Hóa, rồi thành Thuận Hóa. Vậy thì, Thuận Hóa tại sao lại còn mỗi âm Huế, chữ Huế?! Tại sao phủ Thanh Hoa (sau là Thanh Hóa) có trước hay cùng thời lại không biến “Thanh Hóa thành Thanh Huế”. Thêm một danh xưng nữa là phủ Hưng Hóa phía bắc Thăng Long lại không biến thành “Hưng Huế” mà chỉ có mỗi Thuận Hóa biến thành Huế mà thôi...
Căn cứ thời điểm và vị trí mà linh mục Alexande De Rohdes, gọi Kẻ Huế là tại công phủ Kim Long, nơi quanh vùng này có rất nhiều dấu tích di chỉ văn hóa Chămpa: chẳng hạn, Thành Lồi ở phường Thủy Xuân, mộ Chămpa ở phường Thủy Biều, điện Hòn Chén ở gần ngã ba Tuần, dấu tích tôn giáo Chămpa dưới chân chùa Thiên Mụ và ngay cả ở tại làng Kim Long đều có bóng dáng khá dày của văn hóa Chămpa. Cha ông ta xưa và nay thường nói: Chữ và nghĩa, chữ phải có nghĩa, nếu Hóa biến thành Huế như thế hóa ra chữ Huế lại vô nghĩa hay sao?
Từ nghiên cứu của chúng tôi, chữ Huế, nguyên thủy không mang nghĩa “vay mượn” của chữ Hán, chữ Nôm, hay chữ Tây, chữ Nhật, thậm chí cả nghĩa cổ của tiếng Mường, Dao, hay Tày, Nùng… cũng không, nhưng rõ ràng Huế là tiếng có âm điệu rất riêng và có sức sống mãnh liệt vượt thời gian để Huế chỉ là Huế mà thôi.
Một chuyên gia sử học quốc tế người Pháp gốc Chămpa - giáo sư Po Dhar Ma, trong một hội nghị khoa học tại Huế, nhân cuộc nhàn đàm hành lang cách đây gần ba mươi năm, ông đã giải thích cho sự thắc mắc của chúng tôi rằng Huế trong ngôn ngữ Chămpa cổ nghĩa là “mùi thơm, hương thơm”. Ông nói thêm: “Người Chămpa xưa có một “thành phố” nhỏ nằm về phía Bắc, cách kinh đô Trà Kiệu (ở Quảng Nam ngày nay) chừng 140 cây số. Ở đấy có tấm bia cổ ghi tên “thành phố” này. Vì thế cuộc và chiến tranh giành đất đai, sau đấy ít lâu người Chăm cho dời tấm bia ấy về kinh đô Đồ Bàn, rồi do thời gian và binh lửa nên tấm bia cũng bị đập vỡ, thông tin xa mờ dần. Mà nội dung văn bia nói đến “thành phố” có tên Chămpa (phiên âm Latin là Huẽ) nghĩa là mùi thơm, hương thơm. Ông nói chắc rằng cổ sử Chămpa có viết như vậy.
Mới đây vào giữa năm 2016, một hội thảo quốc tế được tổ chức tại Huế, một trí thức người Việt gốc Chămpa, Phó Giáo sư Chiêm Thành, giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã giải thích trên tinh thần lịch sử tương tự như Giáo sư Po Dhar Ma. Phó Giáo sư Chiêm Thành còn viết thêm cả chữ Huẽ bằng chữ Chămpa cổ để minh chứng cho điều này.
Theo suy nghiệm của tôi, dấu vết của “thành phố” nằm cạnh con sông có mùi thơm mà chữ Huẽ chuyển tải thông điệp ấy chính là sông Hương, trải dài từ đầu nguồn vùng Hải Cát (nơi có điện Hòn Chén) hay xứ Kim Long, Nguyệt Biều, Thủy Xuân (có di tích Thành Lồi) mà sau này công phủ của chúa Nguyễn Phúc Lan đóng trấn đối diện để Linh mục Alexande De Rohdes miêu tả thành phố gọi là Kehue tức Kẻ Huế. Hoặc dịch xuống vài cây số nữa ở ngã ba Sình trước cửa thành Hóa Châu, là trung tâm trấn trị của người Chămpa xưa.
Vậy thì, nghĩa của chữ Huế chính là mùi thơm, hương thơm - thành phố Huế nằm bên bờ con sông Hương thơ mộng, nước sông thơm thoang thoảng mùi thạch xương bồ. Người Việt vào Đàng Trong đã tiếp nhận và thích nghi nhiều nét riêng có của ngữ điệu, mỹ thuật, ca vũ, âm nhạc, hội họa, điêu khắc và cả màu sắc “như màu Chàm” để biến thành và làm giàu thêm cho nền văn hóa Đại Việt. Và có thể, vì thế, chữ Huế trong nguyên nghĩa xuất phát từ ngôn ngữ Chăm.
Dấu tích xưa của công phủ ở Kim Long nay không còn rõ. Tuy nhiên, sử sách xưa vẫn ghi khá chi tiết về dinh phủ này từ thời các chúa Nguyễn, đánh dấu một giai đoạn hình thành và phát triển về phương nam để dân tộc Đại Việt có một thành phố Huế lịch lãm nằm bên dòng sông thơ mộng - một thành phố văn hóa thơm hương và giàu triết luận như ngày nay.
Bài: Dương Phước Thu
Ảnh: Bảo Minh