Lao động tự do chạy đua với thời gian kiếm thu nhập dịp tết

Năm mới mong có sức khỏe

21h đêm, trước cổng Trường đại học Sư phạm Huế, xe hàng rong của vợ chồng chị Trần Thị Ngọc, ở Thuận An vẫn nhiều người thưởng thức, chủ yếu là những người trẻ và du khách. Vợ chồng chị bán đầy đủ các món từ mực nướng, bắp, khoai nướng đến các loại thức uống. Quên cái lạnh buốt giá, chị Ngọc, tay thoăn thoắt nướng bắp cho du khách. Trong lúc đó, chồng chị bận rộn nướng mực khô cho một tốp bạn trẻ. Hôm nay, khách đông hơn hẳn so với mọi ngày, chị Ngọc nở nụ cười hạnh phúc chia sẻ.

Hai năm trước, dịch COVID-19 khiến những lao động tự do như chị Ngọc buôn bán bữa được bữa mất. Thu nhập gần như không có, gia đình cảm giác như không có tết. Chị Ngọc phải dùng hết tiền tiết kiệm phòng đau ốm của gia đình để trang trải.

Chị Ngọc kể, vợ chồng chị bán hàng ăn rong ở Huế đã gần 8 năm. Trừ hai năm dịch khó khăn, những năm trước, vợ chồng chị cũng đủ chi phí lo cho 3 đứa con ăn học, con gái chị Ngọc đang là sinh viên năm 3 đại học.

"Tôi bán hàng từ lúc 4h chiều và thường nghỉ bán lúc hơn 12h đêm. Mỗi trái bắp nướng có giá từ 15.000 - 20.000 đồng. Mực nướng từ mấy chục ngàn đến vài trăm, tùy con. Làm nghề này không khác gì đi câu, hôm đông khách bán không kịp, hôm lại vắng. Thời tiết này, có khách không chỉ có tiền mà còn có việc để làm cho quên cái lạnh”, chị Ngọc tâm sự.

Làm nghề tự do, chị Ngọc chưa một lần biết đến đồng tiền thưởng tết. Khoảng thời gian này, vợ chồng chị Ngọc tranh thủ "cày" để kiếm thêm thu nhập.

"Những ngày cận tết, tôi bán đến khi nào hết khách. Không chỉ kiếm tiền tiêu tết mà tích cóp chút ít, dành trang trải phòng ra tết ngày rộng, tháng dài. Vợ chồng tôi chỉ làm mỗi nghề này, nên tiền ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày chỉ trông chờ vào chiếc xe bán hàng rong này”, chị Ngọc tâm sự.

Chia sẻ ước nguyện năm mới, chị Ngọc cười, nói: "Không mong ước gì nhiều, chỉ mong có sức khỏe để kiếm tiền, nuôi con đến nơi, đến chốn".

Rong ruổi từ sáng sớm trên chiếc xe đạp cà tàng, chị Nguyễn Thị Thúy Nở, ở phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy thu gom được kha khá bìa carton và vỏ lon bia. Chị Nở kể, chị làm nghề thu mua phế liệu từ nhiều năm nay. Mỗi ngày, chị đạp xe khắp các phường thành phố Huế, ngày ít kiếm được gần một trăm ngàn, ngày nhiều cũng được vài trăm ngàn đồng.

Chồng chị làm thợ nề, thu nhập tháng trung bình khoảng 5-6 triệu đồng. "Đầu năm 2022, vợ chồng tôi vay nợ mua chiếc xe máy mới. Giờ chỉ mong có sức khỏe, rong ruổi mua chai bao, kiểm tiền trả nợ xe”, chị Nở tâm sự.

Làm tài xế công nghệ, anh Đặng Văn Công, cho hay, mọi năm anh chạy xe đến 28, 29 tháng chạp mới nghỉ ăn tết. Không có thưởng tết nên quanh năm hai vợ chồng phải chắt bóp chi tiêu, dành dụm để có tiền lo toan cho gia đình.

“Thường sát tết, đơn hàng, cuốc xe tăng gấp đôi, có khi chạy đến 11 giờ đêm mới vãn đơn. Mỗi cuốc xe trong những ngày tết thường được cộng thêm khoảng 10 ngàn đồng nên tôi tranh thủ sắp xếp chạy tết để thu nhập được khá hơn", anh Công tâm sự.

Chị Lê Thị Kim Hạnh, 50 tuổi phụ bếp cho một quán ăn trên địa bàn thành phố Huế. Gần cuối năm, nhu cầu thuê người dọn nhà tăng nên sau ca làm ở quán, chị Hạnh nhận làm thêm, dọn nhà cho các gia đình. Việc làm ở quán ăn của chị kết thúc vào lúc 14h chiều, chẳng kịp nghỉ ngơi, chị lại tất tả bắt tay vào công việc khác.

Công việc dọn nhà giúp chị có thêm 150 đến 200 đồng mỗi ngày, tùy vào thời gian làm việc.

"Những ngày bình thường, ngoài làm tại quán ăn, tôi cũng đi dọn nhà, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới đi, nhưng cuối năm nhiều nhà cần dọn nên ngày nào tôi cũng tranh thủ làm. Có lúc 7 đến 8h tối mới về đến nhà. Gần tết, có vất vả cũng cố cày cuốc để có tiền lo tết cho các con", chị Hạnh tâm sự.

Cũng như chị Hạnh, ngày thường, ông Phan Thanh Phương, TP. Huế chỉ chạy xe ôm đến 19h tối, nhưng dịp gần tết, ông không quy định thời gian nghỉ, cứ khách cần là ông chạy, bất kể giờ nào. Ông bảo, gần tết, ngoài làm xe ôm, ông còn được người ta thuê chở cây cảnh hay chở hàng, thu nhập khá hơn ngày thường. 

Với những người lao động tự do, đây là thời điểm họ tận dụng hết sức lực và thời gian để lao động. Thêm một ngày làm, họ sẽ giúp con cái có thêm một cái bánh chưng hoặc một cái áo mới, xa hơn là có chút tích cóp cho những tháng ngày ít việc.

Bài, ảnh: Hải Thuận