Trữ lượng khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen có thể đáp ứng nhu cầu của đất nước trong nhiều thập kỷ tới - RT dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Fatih Donmez tuyên bố tại diễn đàn "Thế kỷ năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ" hôm 30/1.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến hành sản xuất khí đốt ở Biển Đen giai đoạn đầu vào tháng 3. Ảnh: AFP
Các mỏ hiện tại có thể đáp ứng nhu cầu trong nước trong 30 năm tới, trong khi những mỏ mới phát hiện ở Biển Đen sẽ kéo dài khả năng tự cung cấp khí đốt lâu hơn nữa. Bộ trưởng Donmez cho biết, giai đoạn đầu tiên sản xuất khí đốt ở Biển Đen sẽ bắt đầu vào tháng 3.
Theo Bộ trưởng, cơ sở hạ tầng hiện có cho các cơ sở vận chuyển và lưu trữ khí đốt, cũng như các địa điểm đang được xây dựng, được thiết kế để duy trì hoạt động trong ít nhất 50 năm.
“Tôi hy vọng rằng khi sản xuất ở Biển Đen đạt công suất tối đa, chúng tôi sẽ đáp ứng 1/4 nhu cầu khí đốt của mình” - ông Donmez nói, đồng nghĩa với việc nước này sẽ cắt giảm 1/4 lượng nhập khẩu.
Tuyên bố được đưa ra khi Thổ Nhĩ Kỳ đã sửa đổi ước tính về trữ lượng khí đốt tự nhiên ở Biển Đen cao hơn 1/3, lên 710 tỉ mét khối. Vào tháng 12, Ankara đưa ra đánh giá ban đầu về mỏ khí Sakarya ngoài khơi và phát hiện ra mỏ khí mới Caycuma-1. Mỏ Sakarya hiện được ước tính chứa 652 tỉ mét khối khí đốt, so với đánh giá ban đầu là 540 tỉ mét khối.
Mỏ Caycuma-1 mới được phát hiện ước tính chứa 58 tỉ mét khối. Tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, nó sẽ được kết nối với mỏ Sakarya và từ đó hòa vào lưới điện quốc gia. Mỏ Sakarya - dường như là mỏ lớn nhất từng được phát hiện ở Biển Đen - sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm sự độc lập về năng lượng và muốn đa dạng hóa khỏi hàng nhập khẩu, vốn được sử dụng để đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Quốc gia này hiện phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung từ Nga, Azerbaijan, Iran, Nigeria và Algeria, cũng như nhập khẩu LNG từ Qatar và Mỹ.
Theo Laodong