Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) hướng tới mục tiêu xuất khẩu gạo vào các thị trường nhiều tiềm năng trong đó có ASEAN. Ảnh tư liệu: Công Mạo/TTXVN
Hiện Đồng bằng sông Cửu Long chưa bước vào thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, nên lượng thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó và giá lúa ở mức khá cao, mang lại những hứa hẹn cho nông dân một vụ mùa bội thu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 1/2023 chỉ đạt 400.000 tấn với giá trị đạt 203 triệu USD, giảm 20,9% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 8/2 là loại 5% tấm giao dịch ở 468 USD/tấn, gạo 25% tấm 448 USD/tấn. Trong khi đó, với các loại gạo tương ứng thì giá xuất khẩu của Thái Lan là 485 USD/tấn và 470 USD/tấn.
Nhìn từ dự báo nhu cầu gạo thị trường thế giới, ông Đỗ Trần Hoàn, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cho biết, năm 2023 nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới không biến động nhiều, khoảng 1%. Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi Trung Quốc mở cửa giao thương bình thường trở lại. Tuy nhiên, điều lo ngại là Philippines - thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất sẽ thấp đi khi năm 2022 nước này nhập khẩu gạo tăng 30% so với năm 2021.
Ông Đỗ Trần Hoàn cho hay, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, kim ngạch trên 3,4 tỷ USD, giá trung bình 486 USD/tấn. Lượng xuất khẩu tăng khá mạnh 13,83%, nhưng giá chỉ tăng khiêm tốn trên 5% bởi giá xuất khẩu trung bình giảm 50,47 USD/tấn.
"Những tháng đầu năm 2022, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam rất trầm lắng. Đến tháng 8 và 9/2022 mới khởi sắc hơn khi nhiều nước lo ngại trong đảm bảo an ninh lương thực", ông Đỗ Trần Hoàn nói.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines năm 2022 chiếm 45% tổng lượng xuất khẩu gạo Việt Nam với hơn 3 triệu tấn và chiếm trên 80% lượng nhập của nước này. Điều này, đặt ra vấn đề tồn kho của họ lớn hay không và nếu lớn thì năm 2023 thì nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm. Bên cạnh đó, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp cuối năm 2022 đã giảm đi rất nhiều. Dự kiến, cả năm 2023 xuất khẩu gạo trên 6 triệu tấn, ông Đỗ Trần Hoàn phân tích.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam là Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội khi nước này mở cửa trở lại sau COVID. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu số lượng các doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này không tăng thì cũng khó có thể nói là sẽ có nhiều cơ hội mở ra.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Intimex Group cũng cho hay, xuất khẩu gạo năm 2022 rất tốt, do đó, lượng hàng tồn kho gần như không có. Vào vụ mới, lượng sản xuất ra đến đâu bán đến đấy. Hiện giá gạo tốt, nhưng sản lượng bán ra không bằng năm ngoái.
Đánh giá về chủng loại gạo xuất khẩu, ông Đỗ Trần Hoàn cho biết, xu hướng Việt Nam tăng xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao. Gạo thường như gạo 5% tấm có xu hướng giảm, nhưng gạo Đài thơm 8 đã tăng 147% trong năm vừa qua. Xu hướng thị trường cũng đòi hỏi gạo có chất lượng cao hơn. Như gạo 5% tấm nay cũng đòi hỏi chất lượng cao hơn những năm trước nhiều.
Hướng đến đáp ứng nhu cầu thị trường nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư nhiều về máy móc, công nghệ để nâng cao công nghệ chế biến, đóng gói. Bởi, xu hướng thế giới yêu cầu đóng gói các túi nhỏ (3 - 5 kg) để sau khi đơn vị nhập khẩu về chỉ việc đưa thẳng đến siêu thị bán.
Về vấn đề giá gạo xuất khẩu, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, mặt bằng chung chắc chắn sẽ tăng lên. Bởi, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tiếp tục tăng do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết. Các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới ngày càng tăng với các loại gạo thơm và chỉ Việt Nam có loại gạo này đã đẩy giá gạo này tăng cao. Chưa kể đến nhiều doanh nghiệp ký đơn hàng từ trước đó. Thời điểm này, bắt buộc họ phải giao hàng, khi thiếu hàng thì buộc họ phải đẩy giá thu mua lên.
Theo ông Đỗ Hà Nam, trong bối cảnh tại Việt Nam đang giảm dần sản xuất các loại gạo thường, gạo trắng và tăng cường gạo thơm. Mặt khác, nhiều vùng trồng lúa đã chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả cao hơn. Việc này làm cho sản lượng lúa gạo xuất khẩu giảm.
Một trong những yếu tố cũng sẽ tác động đến nguồn cung được ông Đỗ Hà Nam chỉ ra là, mọi năm Việt Nam nhập khẩu gạo từ thị trường Ấn Độ khoảng gần 1 triệu tấn. Nhưng năm nay, thị trường này hạn chế xuất khẩu. Do đó, lượng gạo nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ là không có nên chúng ta có thể bị thiếu hụt 1 phần ở đây.
Để nâng cao hiệu quả trong xuất khẩu gạo, ông Đỗ Trần Hoàn cho rằng, Cục Trồng trọt cần cập nhật thông tin về mùa vụ, tình hình xuống giống và quan trọng là dự báo về sản lượng các loại gạo. Mỗi thị trường đều có những yêu cầu về chủng loại gạo khác nhau. Nếu nắm bắt được thông tin sản lượng gạo các loại trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động có phương án kinh doanh, ký kết các hợp đồng xuất khẩu.
Vụ Đông Xuân thường là vụ rất sôi động về sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang chuẩn bị kho, phương tiện, thiết bị chế biến, nguồn vốn để tổ chức thu mua vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, theo ông Hoàn, vụ Đông Xuân năm nay thu hoạch rộ chậm so với mọi năm. Cùng với đó, việc vay vốn ngân hàng hiện nay tương đối khó khăn, lãi suất cao cũng là rào cản đối với các doanh nghiệp.
Theo TTXVN