![](https://file.baothuathienhue.vn/data2/image/news/2015/20151217/fckimage/toquyen1.jpg) |
Người dân Mỹ trong một cuộc biểu tình kêu gọi thắt chặt luật súng đạn. Ảnh: Breitbart.
|
Tình hình nghiêm trọng
Một nghiên cứu của nhà tội phạm học Adam Lankford thuộc Đại học Alabama (Anh) cho thấy, Mỹ là quốc gia có tỷ lệ các vụ xả súng hàng loạt cao nhất thế giới. Theo ông Lankford, số lượng các vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo số liệu từ trang web Mass Shooting Tracker, tính đến ngày 2/12, đã có 355 vụ thảm sát xảy ra ở Mỹ trong năm 2015. Đây chỉ mới là con số tính riêng các vụ xả súng khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và bị thương, bao gồm cả hung thủ. Rõ ràng, con số này cao hơn nhiều so với 2 năm trước đó khi trung bình mỗi ngày, có nhiều hơn 1 vụ xả súng xảy ra trên đất Mỹ, khiến hơn 460 người thiệt mạng và khoảng 1.400 người bị thương tính từ đầu năm nay.
Súng đạn trở thành nguyên nhân đứng thứ 13 trong danh mục các vấn đề gây chết người nhiều nhất hàng năm ở Mỹ. Kết quả điều tra của Liên Hợp Quốc cho thấy, trong vòng 7 năm từ năm 2003-2010 đã có khoảng 88.000 người Mỹ thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến súng đạn. Với 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trên thị trường, Mỹ là một trong những quốc gia sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới, và số vụ giết người bằng súng ở Mỹ đã lên đến mức báo động khi cao gấp 6 lần Canada và 15 lần ở Đức.
Tổng thống Mỹ Barack Obama – người luôn hướng tới việc siết chặt luật súng đạn ở Mỹ cho rằng, nạn xả súng ở nước này đã nghiêm trọng hơn nhiều so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ông nhấn mạnh, không một quốc gia tiên tiến nào có thể chấp nhận được thực tế có tỷ lệ tội phạm liên quan đến súng đạn gấp 10 lần so với các quốc gia tiên tiến trên thế giới như ở Mỹ, theo tờ NYTimes.
Không thể phủ nhận, súng là một phần trong nền văn hoá và lịch sử của nước Mỹ, đất nước của những người nhập cư, khai hoang những vùng đất mới. Nhưng tình hình đã thay đổi rất nhiều trong hơn 200 năm qua khi quyền sở hữu súng đạn đang gắn liền với tội ác, gây ra những vụ thảm sát nghiêm trong, gieo rắc nỗi sợ hãi, hoang mang và nhiều di chứng khác nữa cho người dân nước này.
Tại sao kiểm soát khó khăn?
Ngày 14/12, trong lần kỷ niệm 3 năm vụ thảm sát bằng súng tại trường tiểu học Sandy Hook khiến 26 người thiệt mạng, Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ không từ bỏ nỗ lực để thắt chặt luật kiểm soát súng đạn ở Mỹ. Nhắc lại về cuộc nói chuyện với cha mẹ các học sinh thiệt mạng, ông chia sẻ, “làm thế nào chúng tôi có thể nói với họ rằng Quốc hội nước này không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn những gì xảy ra với họ xảy ra với các gia đình khác?”, Reuters trích dẫn hôm 15/12.
Trước đó, Tổng thống Obama cũng đã nhiều lần có những nhận định cứng rắn về thực trạng sử dụng vũ khí hiện nay, đồng thời kêu gọi người dân và các nhà lập pháp nước này nỗ lực để dự luật kiểm soát vũ khí được thông qua, nhằm tránh tái diễn các vụ thảm sát khác. Ông từng nói “ở Mỹ, việc mua súng còn dễ hơn mua sách”, và cho rằng, tình trạng bạo lực diễn ra thường xuyên chính là do người dân có thể tiếp cận với súng đạn quá dễ dàng.
“Quốc hội phải hành động để đảm bảo rằng không có ai trong danh sách cấm bay có thể mua một khẩu súng ... đó là một vấn đề an ninh quốc gia”, Tổng thống Obama nhấm mạnh, và muốn siết chặt các điều luật để người dân khó có thể mua được các vũ khí quân sự có sức công phá cao như những thứ đã được sử dụng trong cuộc tấn công ở San Bernardino hôm 2/12 vừa qua.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng những vụ xả súng sẽ không xảy ra thường xuyên như vậy nếu có nhiều người hơn sở hữu súng vì cho rằng, súng giúp họ tự vệ trước những kẻ tấn công. Ông Donald Trump, ứng cử viên của đáng Dân chủ đang chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống năm 2016, là một trong những người đứng về phía dư luận phản đối việc thắt chặt sở hữu súng. Theo CNN, tỷ phú này tuyên bố rằng các yếu tố về con người như sức khỏe tâm thần mới là nguyên nhân của những vụ thảm sát ở Mỹ chứ không phải do vấn đề súng đạn. Trong một buổi vận động tranh cử hôm 3/10, ông phát biểu: “Trong vụ thảm sát ở trường Umpqua, không ai có súng. Nếu những giáo viên có vũ khí, thảm kịch chắc chắn sẽ bớt bi thảm hơn”.
Thế nhưng, dữ liệu thống kê cho thấy lập luận trên dường như không đúng. Tỉ lệ sở hữu súng cao không làm giảm mà có xu hướng làm gia tăng số ca tử vong do súng. Ông David Hemenway, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiểm soát thương tật, xác nhận: “Ở Mỹ, rất nhiều chứng cứ cho thấy, cộng đồng càng có nhiều súng thì càng xảy ra nhiều vụ giết người bằng súng hơn”.
Theo nhận định của tờ USNews, mặc dù nhiều sắc lệnh nhằm hạn chế tình trạng bạo lực liên quan đến súng đạn đã được ban hành, nhưng việc thực thi đầy đủ và nghiêm ngặt lại không dễ dàng khi các nhà lập pháp Mỹ coi việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người, chỉ sau quyền tự do ngôn luận. Nhiều người dân Mỹ cũng quan niệm, sở hữu súng cá nhân là cách thể hiện quyền tự do dân chủ, và là cách để bảo vệ ngôi nhà của họ được an toàn hơn. Đồng thời, các tổ chức vận động hành lang bảo vệ ngành công nghiệp súng đạn ở Mỹ cũng có thế lực chính trị rất lớn, ví như Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) đã rất thành công trong việc vận động chống lại việc thông qua các luật kiểm soát vũ khí ở Mỹ.
Rõ ràng, cứ sau mỗi vụ xả súng, truyền thông và dư luận lại dấy lên những cuộc tranh cãi về vấn đề kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, trước nhiều luồng tư tưởng trái chiều, những cuộc tranh cãi này vẫn tiếp tục rơi vào quên lãng và chưa biết bao giờ mới thấy được hồi kết...