Nhiều “chất” Việt

Hầu như tất cả các bang của nước Mỹ đều có người Việt sinh sống, nhưng nhiều nhất là ở bang California (dân Việt bên này thường gọi tắt là Cali). Vì thế, Tết âm lịch của cộng đồng người Việt ở Cali là Tết to nhất, mang nhiều “chất” Việt nhất. Ngoài lý do  là “thủ phủ” của người Việt ở Mỹ thì còn do nơi đây có khí hậu và thời tiết thuận lợi để “ăn” Tết hơn những nơi khác. Trong khi những tiểu bang ở bờ Đông hay ở miền Bắc nước Mỹ thường chịu cái rét vài chục độ âm, tuyết phủ tứ bề thì ở các thành phố miền Nam Cali như Santa Ana, Garden Grove, Ontario… “trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn hanh vàng”, thuận tiện cho người Việt tổ chức và tham gia hội hè, lễ Tết.

Chúc Tết trong gia đình người Việt ở Cali, có cả dâu rể là người nước ngoài.

 

Không khí đón Tết ở Cali bắt đầu rộn ràng từ sau Tết Dương lịch, đó là thời điểm hàng Tết bắt đầu được bày bán trong các khu chợ Việt Nam hay chợ Á châu. Hàng Tết bên này không thiếu thứ gì: bánh chưng, bánh tét, giò chả, các loại mứt bánh, hương hoa trầm trà, hoa trái Việt Nam… Trước đây, giao thương giữa Mỹ và Việt Nam còn cách trở thì hàng hóa được nhập thông qua các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… Riêng rau củ, hoa quả nhiệt đới thì do các tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ cung cấp. Nhưng nay thì hàng Tết từ Việt Nam nhập khẩu vào nước Mỹ từng ngày, từng giờ nên thứ gì cũng có, kể cả “tiền địa phủ” và vàng mã. Riêng hoa Tết thì người Việt chuộng hoa trồng bên Mỹ hơn, đặc biệt là hoa đào vì màu sắc đẹp, cánh hoa nhiều tầng và hoa lâu tàn. Nhà của người Việt ở Cali thường có vườn rộng, nên rất nhiều người trồng mai. Trước Tết chừng một tháng, gia chủ thuê người hái lá tỉa cành để mai nở đúng Tết. Ngoài ra, trong những cánh rừng ở California có một loại cây thân mộc, cùng họ plum tree giống hoa mai ở Việt Nam, đến dịp Tết ta cũng nở ra những bông hoa tựa như mai Việt, nên những ai không trồng được hoàng mai thì thường mua loại hoa này về chưng Tết thay cho hoa mai.

Người Việt thường để dành ngày phép cho dịp Tết ta. Chỉ những ai không thể sắp xếp thời gian nghỉ phép mới phải đi làm và “hưởng” Tết Nguyên đán vào ban đêm hoặc vào dịp cuối tuần. Dù đã sống ở Mỹ nhiều hay ít, thì người Việt vẫn duy trì nhiều lễ tục đón Tết Việt, từ cúng kiếng, đón giao thừa, đi lễ đầu năm, thăm viếng bà con, bằng hữu và đi… hội chợ Tết.

Tuy trong các khu chợ Việt Nam có bán rất nhiều đặc sản Tết, chủ yếu do người Việt bên này sản xuất, nhưng vẫn có rất nhiều gia đình tự gói bánh chưng, bánh tét, để  con cháu biết phong tục và văn hóa Tết của quê hương”. Ngày 30 Tết, phần lớn phụ nữ đều lấy ngày phép, nghỉ ở nhà để lo nấu cỗ cúng tất niên. Những người đàn ông phải đi làm trong ngày hôm đó, thì đến 7 giờ tối đã thu xếp để có mặt trong cuộc tề tựu cuối năm với gia đình. Sau bữa cơm chiều 30 Tết, lại quày quả lo cúng giao thừa với đủ xôi chè, hương hoa, quả phẩm… như ở Việt Nam nhưng thời khắc đón giao thừa thì muộn hơn bên nhà đúng 15 tiếng đồng hồ do lệch múi giờ.

Đắm mình trong Tết quê hương

Có một nét Xuân đặc biệt của người Việt ở Cali đó là đón Tết cùng với hoạt động từ thiện. Trước Tết, mọi người đã vận động quyên tiền để hỗ trợ cho các chùa, hội ái hữu ở Cali và gửi về giúp các cá nhân, tổ chức từ thiện ở trong nước. Trong dịp Tết, họ tiếp tục góp tiền ủng hộ tại các hội chợ Xuân để giúp Hội sinh viên tổ chức các hoạt động từ thiện ở Mỹ và Việt Nam. Sau Tết là lúc các hội đồng hương của khắp các vùng miền ở Việt Nam hội ngộ, chủ yếu là tề tựu về Cali, thì cũng là lúc người ta quyên tiền gửi về giúp đỡ bà con trong nước thông qua các hội đồng hương. Đó là một nét đẹp mà người Việt ở Cali đã duy trì trong mấy chục năm qua.

Sáng mồng Một Tết, những người theo đạo Phật thì thường đi lễ chùa. Chùa Phật ở Cali nhiều vô kể. Có ngôi xây theo kiểu chùa Việt, nhưng có ngôi chùa nhìn giống trụ sở của một hội đoàn nào đó hơn là ngôi chùa. Nhưng với Phật tử bên này thì ngoại thất của ngôi chùa không quan trọng mấy, mối quan hệ giữa họ với chùa mới là chính yếu. Rất nhiều người Việt ở Mỹ sau khi qua đời được thân quyến hỏa táng, đưa tro cốt vào thờ phụng trong chùa. Vì thế, ngày Tết người thân của họ đến viếng chùa không chỉ vì sùng kính Đức Phật, mà còn vì mối liên hệ với người thân đã khuất đang “nương nhờ” cửa Phật.

Sau lễ chùa thì đi chúc Tết thân quyến, bằng hữu. Sau mấy mươi năm định cư trên đất Mỹ, rất nhiều người Việt đã kết hôn với người gốc Mỹ hoặc người từ các nước khác định cư ở Mỹ. Thật là khó để đến thăm viếng, chúc Tết từng gia đình, nhất là những gia đình có dâu rể không phải là người thuần Việt. Vì thế, việc chúc Tết đầu năm thường tập trung ở nhà của người có vai vế lớn nhất trong gia quyến, hoặc ở nhà nào rộng nhất. Mọi người tề tựu về đây, thành kính thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, chờ nghe lời chúc mừng năm mới của các bậc cao niên, rồi chúc tụng lẫn nhau. Lời chúc có cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, bởi Cali rất gần biên giới Mexico (nói tiếng Tây Ban Nha) và cộng đồng người Mexico sinh sống nơi đây rất nhiều. Trong số đó có người làm dâu, làm rể trong những gia đình người Việt ở Cali.

Tục lì xì (mừng tuổi) vẫn được duy trì. Trẻ em Việt Nam ở Mỹ có tiếng là học giỏi. Vì thế, mỗi dịp gặp gỡ đầu năm cũng là dịp những con em có thành tích học tập xuất sắc được vinh danh trong gia đình, được tưởng thưởng; vừa để động viên các em, vừa để nêu gương cho những đứa trẻ khác noi theo.

Sinh hoạt Tết được nhiều người Việt ở Cali quan tâm nhất là đi hội chợ Xuân. Hội chợ được nhiều tổ chức, cộng đồng tổ chức và duy trì trong suốt mấy chục năm qua. Mỗi vùng, mỗi thành phố đều có hội chợ riêng, nhưng ở khu vực Santa Ana hay Garden Grove, hội chợ Xuân lớn nhất được tổ chức ở County Fair, là khu vực triển lãm hội chợ chuyên nghiệp của quận Cam (Orange County). Thường thì Hội Sinh viên người Việt ở Nam Cali đứng ra tổ chức hội chợ Xuân, và đó cũng là hội chợ Xuân quy mô nhất, thu hút đông người tham dự nhất và… có lãi nhất. Nguyên nhân là Hội sinh viên luôn có đủ nhân lực để tổ chức các hoạt động của hội chợ, từ việc thiết kế, thi công, trang trí hội chợ; đến việc làm bánh, nấu ăn, bán hàng quà; và quan trọng nhất là biểu diễn văn nghệ.

Hội chợ Xuân do sinh viên tổ chức luôn hấp dẫn bởi luôn được bổ sung “nhân sự” trẻ đẹp, cách tổ chức luôn đổi mới, cập nhật những vấn đề thời sự nóng bỏng ở Việt Nam trong các chương trình văn nghệ, trưng bày triển lãm, biểu diễn thời trang. Tết Ất Mùi 2015, sau những những ngày Biển Đông dậy sóng bởi “vụ giàn khoan HD981 của Trung Quốc”, thì hình ảnh chính tại hội chợ Xuân là bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa làm bằng nón lá và lời khẳng định “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” treo ở các gian trưng bày nghệ thuật, cùng “tinh thần Lạc Hồng” thấm đẫm trong từng tiết mục văn nghệ diễn ra trong thời gian hội chợ.

Vé vào cổng hội chợ Xuân giá 5 đô la một người, nhưng nếu phụ nữ mặc áo dài và đàn ông mặc quốc phục thì được miễn phí vào cổng. Nhờ vậy mà khu hội chợ Xuân luôn thể hiện rõ nét bản sắc Việt Nam nhờ vào những bộ trang phục truyền thống của khách đi dự hội. Tiền lãi thu được từ hoạt động tổ chức hội chợ Xuân sẽ được Hội sinh viên trao cho các quỹ khuyến học, các hội từ thiện và đóng góp một phần vào hoạt động phát triển văn hóa của thành phố.

Sau khi đi lễ chùa, những món ăn Việt Nam được dọn ra; những chai bia Mỹ, rượu Mỹ được mở; những thế hệ người Mỹ gốc Việt cùng dâu rể gốc “ngoại quốc” của họ cùng nhau nâng ly, chạm cốc đón Tết. Ở phòng khách, dàn karaoke hi-fi được bật lên, không gian tràn ngập những bản nhạc xuân, nhạc Tết với lời ca tiếng Việt. Đó mới là lúc người Việt ở Cali thực sự đắm mình trong không khí Tết Việt ở trên đất Mỹ.

Bài, ảnh: Thiều Anh