Giáo sư Carl Thayer (Ảnh: Youtube)

Bình luận trên của ông Thayer được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang từng bước leo thang nguy hiểm ở Biển Đông. Giới chức Mỹ gần đây đã thẳng thắn cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông thông qua các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn, đưa tàu chiến, radar và tên lửa đất đối không tới khu vực.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, nói rằng sự quân sự hóa nên đánh giá dựa trên một loạt các hành động, từ mức độ thấp - đồn trú các lực lượng quân sự trên các đảo, bãi đá và các thực thể khác - tới tầm trung, với các thiết bị chiến tranh điện tử và radar, và tới cấp độ cao, bao gồm việc triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu.

Tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng cảng, sân bay và đồn trú các máy bay chiến đấu và tàu hải quân trong một thời gian dài. Điều đó xảy ra trước khi có những lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Theo ông Thayer, việc Trung Quốc đưa tên lửa HQ-9 và máy bay chiến đấu tới Hoàng Sa được xem là hành động mang tính phô trương, và nhằm ra hiệu rằng Mỹ phải xuống thang. Các hành động của Trung Quốc chủ yếu mang tính tượng trưng và để thử phản ứng của Mỹ.

Tại quần đảo Trường Sa, từ năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp trái phép các bãi cạn thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình phi pháp trên đó. Ông Thayer cho hay Trung Quốc chưa dám đưa máy bay chiến đấu và tên lửa tới các đảo nhân tạo ở Biển Đông đồn trú lâu dài. Các tàu chiến và tàu cảnh sát biển của Trung Quốc hiện diện tại Trường Sa trên cơ sở luân phiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã cảnh báo về các hậu quả nếu Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu, tàu chiến và tàu ngầm tới các đảo nhân tạo phi pháp.

Chuyên gia Úc nhận định rằng Trung Quốc dù muốn nhưng không thể kiểm soát thực tế Biển Đông ít nhất là trong 1 thập niên tới. Hải quân Mỹ sẽ vẫn là lực lượng hải quân vượt trội trong giai đoạn này.

“Hiện thời tất cả các hướng đều tập trung vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ do chuyện Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Nhưng Trung Quốc chưa chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Mỹ ở thời điểm này. Chúng ta sẽ thấy nhiều lời hăm dọa và lên giọng”, ông Thayer nói.

Theo ông Thayer, Trung Quốc sẽ chờ cơ hội và hành động theo kiểu cơ hội. Trung Quốc sẽ lấn lướt khi gặp ít phản kháng. Khi đối mặt với sự phản kháng, Trung Quốc sẽ chùn lại và muốn chờ thời cơ thuận lợi.

Các nguồn tin báo chí gần đây cho thấy, Trung Quốc sẽ tiếp tục cản trở các ngư dân Philippines, máy bay quân sự và tàu hải quân nước này. Hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc cũng vây ép một tàu tiếp tế của Việt Nam tới Trường Sa.

“Nói cách khác, năm nay sẽ là một cuộc thử lửa thường xuyên về ý chí giữa Trung Quốc, các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Mỹ”, ông Thayer cho hay.

Theo chuyên gia trên, một khi Mỹ gia tăng sự hiện diện luân phiên tại Philippines và Úc, Washington sẽ có thể đáp trả rất nhanh chóng bất kỳ hành động khiêu khích nào của Trung Quốc.

Theo ông Thayer, để đối phó với Trung Quốc, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, cần bổ sung thêm nguồn lực cho chính sách mà các học giả gọi là “tự lực cánh sinh”. Điều này có nghĩa là cần sử dụng nguồn lực của chính mình để tăng cường các khả năng an ninh hàng hải nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Ngoài ra, mỗi quốc gia có tuyên bố chủ quyền cũng nên cân nhắc xem họ có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các cường quốc bên ngoài như thế nào và ở mức độ nào. Philippines có một liên minh với Mỹ và Tòa án Tối cao Philippines đã ra phán quyết rằng Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường giữa hai nước là hợp hiến. Malaysia đang bắt tay với Mỹ một cách âm thầm trong khi vẫn duy trì quan điểm ngoại giao mềm mỏng.

Giáo sư Thayer nhận định rằng Việt Nam từ lâu đã duy trì quan điểm “tự lực cánh sinh”. Hà Nội cũng hối thúc các cường quốc bên ngoài bảo vệ các lợi ích ở Biển Đông. Ông cho rằng trong “tình hình mới”, Việt Nam phải cân nhắc xem liệu có tăng cường hợp tác với Mỹ hay không.

“Lời khuyên của tôi giống một câu chuyện bóng đá. Nếu một đội bóng ở hạng thấp hơn muốn thăng hạng thì cần cọ sát với các đội ở cấp cao hơn để lấy kinh nghiệm. Câu chuyện phòng thủ cũng vậy. Nếu một quốc gia không thể hoàn toàn tự lực cánh sinh thì quốc gia đó cần kinh nghiệm thực tế thông qua luyện tập các kỹ năng quân sự. Việt Nam cần tăng cường các kỹ năng phòng thủ hàng hải”, ông Thayer nói.

Theo Dantri