Ngày 22/4, lãnh đạo từ gần 170 quốc gia quy tụ ở New York để ký thỏa thuận khí hậu mang tính bước ngoặt đã đạt được ở Paris hồi tháng 12 năm ngoái. Sự kiện này là động thái mới nhất trong một loạt các bước đi nhằm biến hiệp ước toàn cầu này thành một công cụ thực tế chống lại sự phát thải khí nhà kính và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch hơn.
Các quan chức vui mừng sau thỏa thuận khí hậu Paris ngày 12/12/2015. Ảnh: Getty
Lễ ký kết, trùng với Ngày Trái Đất (22/4), diễn ra trong bối cảnh có một loạt các báo cáo đáng lo ngại về những tác động mới nhất của sự nóng lên toàn cầu hiện nay.
Theo thỏa thuận, mỗi nước được yêu cầu đệ trình chiến lược 5 năm nhằm giảm lượng khí thải, chuyển đổi từ dầu, than và khí đốt tự nhiên và chấp nhận các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió hoặc ô tô điện. Các kế hoạch quốc gia là một phần trong mục tiêu rộng lớn hơn nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Cũng trong tuần này, các quốc gia tham dự sẽ chính thức cam kết đưa hiệp ước này vào luật pháp nước mình để hiệp ước mang đầy đủ tính pháp lý.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AP & Reuters)