Một ông bạn khác lại bảo, chuyện này có gì là mới đâu. Từ chối có đầu có đũa là còn lịch sự chán. Nhiều khi tức còn muốn gắt toáng lên trước mật độ mời chào quá dày đặc. Có lúc còn phải kêu chủ quán đến giải quyết hộ vì không muốn nặng nhẹ với bà con. Vậy mà cũng chỉ được chốc lát thôi. Tôi nhớ, có hôm đến vào tận trong khu nhà hàng có hẳn một khuôn viên rộng ở phía gần sông, lại ngồi phòng lạnh vì khách đến từ xa, vừa có một hành trình dài trên cung đường nắng như đổ lửa. Vậy mà chỉ mươi phút, đã thấy cửa sổ tự dịch mở, một bé gái xuất hiện, liên tục đòi khách mua chewing gum. Vì ngồi gần, nên khách đứng lên mua hai hộp nhỏ. Nhưng chỉ vì cái chốt cửa đã lờn, nên vẫn thấy những bé gái, bé trai khác xuất hiện. Đến khi nghe những người ngồi trong phòng gọi quản lý nhà hàng thì chúng đổi sắc mặt, làm cả chủ lẫn khách ngượng người với nhau vì những từ lỗ mãng. Mà chủ thì ngượng hơn. Cứ như là nhà mình có điều gì không phải.
Không phải là so sánh, và cũng chẳng nên so sánh để làm gì, nhưng cứ thích những lần ngồi vỉa hè với bạn bè ở một thành phố lân cận mà không bị làm phiền. Người dân ở đó có vẻ tuân thủ những tấm biển cấm hàng rong, đánh giày, bán báo. Hẳn là chế tài nếu vi phạm chắc là nghiêm lắm. Lần mới đây nhất, đi một chuyện du lịch ngắn ngày vào thành phố di sản khác, thấy an nhiên lắm với những vỉa hè ngay ngắn, với không hàng rong đeo bám, với cả những chiếc thùng để rác trông rất lịch sự trên những góc phố. Cũng hiểu là đô thị này đã quản lý rất tốt vấn đề đang được xem là vấn nạn này ở nhiều tỉnh, thành phố khác, trong đó có cả Thừa Thiên Huế.
Xây dựng một môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh là điều ai cũng nghĩ tới. Song phạm vi quản lý là khác nhau, cách làm là khác nhau, sự phối hợp giữa các cơ quan công vụ và tính cương quyết với việc nghiêm túc thực thi các chế tài kèm theo cũng khác nhau, dẫn đến tính nghiêm túc, quy củ cũng khác nhau. Ở đây, theo chúng tôi, vai trò quan trọng nhất vẫn là chính quyền của các địa phương, nhất là các địa phương có các điểm tham quan, du lịch.
Mới đây nhất, UBND tỉnh đã có văn bản số 3098/UBND-DL về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý môi trường du lịch trên địa bàn với những yêu cầu cụ thể đối với Công an tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Sở Du lịch, các UBND TP. Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy phối hợp, tăng cường kiểm tra, bảo vệ, xử lý tình trạng chèo kéo, đeo bám... du khách tại các điểm tập trung đông khách du lịch, đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, xử lý.
Văn bản này cũng cho thấy, thực hiện đồng bộ các biện pháp ở lĩnh vực này vẫn chưa được các địa phương thực hiện tốt, hoặc còn tồn tại những vấn đề trong trong quản lý địa bàn, trong công tác phối hợp – điều mà dù đã đề cập đến quá nhiều lần nhưng cho đến bây giờ, vẫn là điều cứ đến mùa lại phải được nhắc nhở.
Nguyễn An Lê