Toàn phường Hương An có 7 tổ dân phố với hơn 500 hộ dân tham gia trồng hành hàng hóa với diện tích khoảng 50 ha. Trung bình mỗi hộ gia đình trồng từ 3-5 sào, mỗi năm trồng được 5 vụ (đông xuân 3 vụ, hè thu 3 vụ) với thu nhập từ 90-100 triệu đồng/sào/năm. Thu nhập từ cây hành mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho người dân Hương An. “Gia đình tôi hiện có 3 sào hành. Trồng hành không vất vả như trồng lúa mà hiệu quả kinh tế cao gấp 6 lần. Nhiều hộ trong phường cũng đang chuyển sang trồng hành nhằm tăng thu nhập”, bà Trần Thị Vui, một hộ dân trồng hành cho biết.

Trồng hành đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân phường Hương An

Mỗi ngày, toàn phường Hương An xuất 12 tấn hành đi các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… sang cả nước bạn Lào. Đến thời điểm thu hoạch, thương lái đến tận ruộng để thu mua rồi vận chuyển đi tiêu thụ.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, hành lá Hương An đã và đang giúp nhiều người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, để đưa đi tiêu thụ ở những thành phố lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, người trồng hành ở Hương An đang nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới việc xây dựng thương hiệu hành lá Hương An.

Hiện, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hương An đang phối hợp với Trường đại học Nông lâm Huế tập huấn kỹ thuật trồng hành theo tiêu chuẩn VietGap cho nông dân. Ban đầu, có 30 hộ tham gia tập huấn mô hình này. Trong thời gian tới, HTX sẽ quy hoạch 15 ha đất để trồng hành theo hướng VietGap, phổ biến cho người dân hiểu rõ về tiêu chuẩn rau sạch này. Dự kiến trong năm nay, HTX sẽ tiến hành tập huấn cho toàn bộ 400 hộ dân trong phường.

Quy trình trồng mới này được Sở Khoa học Công nghệ, Chi cục Bảo vệ an toàn thực phẩm giám sát ngay từ khâu làm đất, nguồn nước, đến việc sử dụng phân bón nhằm đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn. “Nâng cao chất lượng cây hành là bước quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng thương hiệu cho hành lá Hương An. Nếu sản xuất không đạt chuẩn VietGap, thì chúng tôi sẽ kiên quyết tiêu hủy. Khi xây dựng thành công thương hiệu cho hành lá Hương An, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm đi tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”, ông Phan Lộc, Giám đốc HTX nông nghiệp Hương An cho biết.

Khó khăn về nguồn nước đã được HTX Hương An giải quyết ngay từ những ngày đầu, hệ thống kênh mương dẫn nước đã được tu sửa, mở rộng đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng nước đến các ruộng hành của bà con. Sâu bệnh lâu nay vốn là nỗi lo của người nông dân, tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ từ phía các kỹ sư nông nghiệp của Trường đại học Nông lâm Huế, thiệt hại do sâu bệnh đã được kiểm soát. Người trồng hành cảm thấy phấn khởi với mô hình rau sạch này. “Quy trình chăm sóc đòi hỏi nhiều công sức hơn, nhưng thành quả mang lại là rất lớn. Giá hành bán được cao hơn, uy tín của sản phẩm hành lá ngày càng được nâng cao”, ông Lê Văn Thêm chia sẻ.

Việc xây dựng thương hiệu kinh tế cho một sản vật nông nghiệp vốn không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, với những nỗ lực của chính quyền địa phương và người nông dân, thương hiệu hành lá Hương An sẽ sớm ra mắt thị trường, tiếp bước sự thành công của những thương hiệu, như: rau má Quảng Lợi, nấm Phú Lương, thanh trà Huế…

Bài, ảnh: Đình Ngọc