Gần để dân hiểu
Hơn 15 năm nay, trên từng con đường của xã miền núi Lộc Hòa (Phú Lộc) luôn in bước chân anh Đặng Công Thái, nhân viên y tế thôn. Vui vẻ, nhiệt tình nên anh được bà con tin yêu, gọi thân mật “bác sĩ”. Bà Nguyễn Thị Khánh, người dân trong khu vực chia sẻ: “Ở địa bàn hễ có trường hợp đau ốm, anh Thái đều đến thăm hỏi, tư vấn, hướng dẫn để chuyển tuyến điều trị kịp thời. Mỗi dịp triển khai các chương trình y tế quốc gia về thôn, bất kể nắng mưa, Thái tìm đến mọi nhà, chuyện trò, chia sẻ thông tin, giúp bà con tiếp thu thực hiện hiệu quả.
Thôn Bắc Khe Dài, Lộc Hòa là vùng đất khó khăn, dân cư sống không tập trung. Giao thông cách trở. Hiện thôn có 77 hộ, gần 260 khẩu, chủ yếu là dân nghèo sống nhờ vào nương rẫy, trồng rừng. Với hoàn cảnh địa lý không thuận lợi nên việc vận động, tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh, giúp người tiếp cận các dịch vụ y tế ở thôn là không dễ. Anh Thái vận dụng, thực hiện phương châm “Mưa dầm thấm lâu” để bà con đồng cảm, chia sẻ. Mùa nào trách nhiệm nấy, mọi chương trình, kế hoạch cấp trên đề ra, anh Thái đều tổ chức triển khai đến mọi người dân, không để xảy ra dịch bệnh, tình trạng sốt rét đã đẩy lùi. Điều anh Thái hạnh phúc nhất là việc làm nhỏ bé của bản thân đã góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán sinh hoạt của người dân. Bây giờ trong thôn có người đau ốm đều đến cơ sở y tế chứ không còn nghĩ chuyện cúng bái như trước; các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được người dân tiếp cận, đồng hành và hưởng ứng ngày càng cao.
Một YTTB nhiệt tình, gần dân nữa là anh Trương Mỹ, ở thôn Kế Sung Thượng, xã Phú Diên (Phú Vang). Anh Mỹ chia sẻ, muốn làm tròn vai nhân viên YTT B ngoài chuyên môn, phải nắm rõ tâm lý, tình cảm, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế... của người dân trong thôn. Khu vực nơi anh Mỹ sống, sinh hoạt là vùng biển nên việc truyền thông về công tác phòng chống dịch, giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tai nạn thương tích, KHHGĐ... phải có những cách thức, nội dung phù hợp mới mang lại kết quả. Để truyền thông những nội dung theo kế hoạch từng tháng, mùa, anh luôn chủ động với thời gian mở; có lúc phải gặp từng đối tượng, không nhất thiết phải ấn định ngày giờ cụ thể... Anh Mỹ nhận định: “Bất kể làm việc gì, mình phải gần dân để dân hiểu mới thực hiện công việc hiệu quả”.
Phụ cấp eo hẹp
Hiện nay, mỗi trạm y tế được giao thực hiện nhiều chương trình y tế quốc gia quan trọng, như tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em... Với khối lượng công việc lớn, vai trò của nhân viên YTTB rất quan trọng, trực tiếp gần dân để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ sức khoẻ, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, cũng như vận động, cung cấp thông tin, tư vấn về công tác DS-KHHGĐ.
Anh Đặng Công Thái chia sẻ: “Dù việc nhiều nhưng chế độ phụ cấp hàng tháng cho nhân viên YTTB không đáng là bao. Hơn 15 năm trong nghề như tôi ở miền núi chỉ hưởng phụ cấp mỗi tháng chưa đến 350 nghìn đồng làm sao đủ tiền xăng xe. Chưa kể vào các dịp triển khai chiến dịch, các chương trình y tế quốc gia ở địa bàn, nhân viên YTTB phải ra xã, ra huyện họp hành, tập huấn”. Cũng như anhThái, nhiều YTTB ở địa bàn vùng ven đầm Cầu Hai cũng chia sẻ: “Làm YYTB là nghề ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Gắn bó với nghề YTTB chỉ vì sự tín nhiệm của bà con cộng đồng, vì tình nghĩa xóm giềng. Còn nếu nghĩ đến phụ cấp từ 300-400 nghìn đồng/tháng thì chẳng ai thiết tha...
Bác sĩ Hoàng Văn Đức, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết, hiện đội ngũ YTTB trên địa bàn phủ khắp trên 152 xã phường, thị trấn. Bình quân mỗi thôn, bản, khu vực có một người phụ trách, được dân tín nhiệm và được đào tạo cơ bản kỹ năng về sơ cấp cứu, y tế điều dưỡng từ 3-6 tháng. Mới đây, ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 02/2015 phụ cấp cho nhân viên YTTB được hưởng 0,3% hoặc 0,5% mức lương tối thiểu tùy theo vùng miền. Ngoài mức phụ cấp được hưởng cố định trên, ngành y tế tạo điều kiện cho nhân viên YTTB kiêm nhiệm thêm ngành nghề, đoàn hội; hoặc ưu tiên tham gia vào các chương trình, dự án y tế ở cơ sở nhằm cải thiện thêm thu nhập, động viên để họ góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho cộng đồng.
Khánh Quan