Theo kết quả của các nghiên cứu trong nước và quốc tế, 90% số trẻ nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm virus viêm gan B mãn tính.
Tư vấn xét nghiệm, tầm soát và chẩn đoán viêm gan virus C cho người dân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Viêm gan mạn tính là một vấn đề y tế nghiêm trọng ở Việt Nam và ung thư gan là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.
Thông tin trên được Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra nhân Ngày viêm gan Thế giới 28/7, với chủ đề: “Hãy nhận biết và hành động ngay.”
Theo đánh giá của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên.
Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan của một số nhóm dân cư từ 6-20% đối với virus viêm gan B và khoảng 0,2-4% với virus viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện.
Trong số những người hiến máu lần đầu ở tuổi từ 18-60 tuổi, tỷ lệ người khỏe mạnh mang virus viêm gan B thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15-25%.
Tình hình nhiễm virus viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10-20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ đẻ và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em.
Như vậy, nhiễm virus viêm gan, đặc biệt là virus viêm gan B và viêm gan C đang diễn biến một cách âm thầm nhưng là vấn đề lớn đối với sức khỏe người dân Việt Nam hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng và gây tử vong.
Bệnh viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ra các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng.
Người nhiễm virus viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.
Có 5 loại viêm gan virus, trong đó viêm gan virus B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan virus D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan virus A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.
Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, nguyên nhân có liên quan đến virus viêm gan đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong nhiều nhất. Người tiêm chích ma túy dễ bị nhiễm cả hai loại virus viêm gan B và virus viêm gan C do tình trang dùng chung bơm kim tiêm. Ước tính khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan C trong số 16 triệu người tiêm chích ma túy.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh viêm gan virus B và C có thể dự phòng và điều trị được.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, chiến lược phối hợp điều trị và dự phòng có thể loại trừ viêm gan virus B và C như là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan virus B và C bao gồm tiêm vắcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế và can thiệp giảm tác hại.
Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao như Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.
Theo Vietnam+