Hôm 15/9, Mỹ cùng hơn 20 quốc gia khác tuyên bố thành lập 40 khu bảo tồn biển mới trên khắp thế giới, trong một nỗ lực nhằm bảo vệ các đại dương khỏi sự đe dọa của biến đổi khí hậu và ô nhiễm.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong ngày đầu tiên tại Hội nghị Đại dương của Chúng ta. Ảnh: AFP
|
Trong khuôn khổ Hội nghị Đại dương của Chúng ta, nơi đại diện 90 quốc gia nhóm họp với các chuyên gia và nhà hoạt động môi trường nhằm hạn chế hoạt động đánh cá, khai thác dầu khí thương mại và các hoạt động khác của con người gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố thành lập khu bảo tồn biển đầu tiên của Mỹ ở Đại Tây Dương. Đây là một khu vực rộng 12.724 km2 nằm ngoài khơi bờ biển New England, với 3 hẻm núi dưới biển sâu và 5 ngọn núi ngập nước, đồng thời là nơi sinh sống của nhiều loài san hô biển và cá voi quý hiếm.
Theo đó, hoạt động đánh bắt cá thương mại sẽ được giới hạn trong khu vực này, nơi mà các nhà khoa học cảnh báo sự nóng lên của nhiệt độ đại dương là một mối đe dọa đối với các loài cá hồi, tôm hùm và sò điệp.
Ngoài ra, Anh tuyên bố sẽ tăng gấp đôi diện tích đại dương được bảo vệ lên khoảng 6,5 triệu km2, một khu vực lớn hơn lãnh thổ Ấn Độ.
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị Đại dương của Chúng ta, các nước đã công bố nhiều khu bảo tồn khác nhau, với tổng diện tích gần 1,19 triệu km2, một khu vực tương đương với diện tích của Nam Phi.
Các nhà lãnh đạo hy vọng rằng, 10% đại dương của thế giới sẽ trở thành các khu bảo tồn đến năm 2020, trong đó hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí sẽ bị cấm hoặc hạn chế chặt chẽ.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & AFP)