Lượng phát thải khí metan toàn cầu có thể cao gấp đôi so với ước tính hiện nay, đặt ra thêm một thách thức cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, AFP ngày 6/10 trích dẫn một nghiên cứu mới cho biết.
Phát thải khí metan hiện tăng cao hơn nhiều so với dự tính. Ảnh: AP
Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature, metan - tác nhân lớn thứ 2 gây ra sự nóng lên toàn cầu, chỉ sau carbon dioxide - bị rò rỉ trong quá trình sản xuất và sử dụng khí tự nhiên, dầu mỏ và than đá cao hơn từ 20%-60% so với suy nghĩ trước đây. "Các nghiên cứu về khí thải và khí quyển đã đánh giá thấp lượng khí thải metan từ quá trình phát triển nhiên liệu hóa thạch", tác giả chính của nghiên cứu - nhà khoa học Stefan Schwietzke thuộc Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) nhận định.
Những phát hiện mới này có thể có những tác động nghiêm trọng đối với các nỗ lực toàn cầu nhằm kiếm chế sự ấm lên toàn cầu dưới mức 2 độ C (3,6 độ F) - mục tiêu đặt ra mang tính bước ngoặc của Hiệp định Paris sẽ có hiệu lực vào tháng tới, các chuyên gia nói.
"Các kịch bản về phát thải hiện đang được sử dụng để dự đoán về khí hậu cần phải được đánh giá lại, tính đến các tác động của con người" - hay do con người tạo ra - "là phát thải khí metan," giáo sư Grant Allen tại Đại học Manchester cho biết.
Nói cách khác, việc hiện thực mục tiêu về kiếm chế nhiệt độ mà Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, có thể còn khó khăn hơn nhiều so với suy nghĩ.
AFP cho biết, nồng độ khí metan trong khí quyển đã tăng gấp đôi trong vòng 250 năm qua, trước khi đạt đỉnh một cách khó hiểu vào năm 1999.
Bảo Nghi (Lược dịch từ AFP)