Mở rộng các dịch vụ điều trị bệnh khó ở BV Phú Vang

Còn vướng mắc

Khảo sát các cơ sở y tế trên địa bàn cho thấy, phần lớn đều mong muốn thực hiện tự chủ toàn bộ chi phí thường xuyên để được chủ động việc phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, cơ chế hiện còn nhiều vướng mắc, các cơ sở KCB chưa thể tự cân đối thu-chi để tiến đến tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động thường xuyên mà không phụ thuộc vào ngân sách. Đơn cử, Bệnh viện (BV) Đa khoa Chân Mây có quy mô 70 giường bệnh nội trú, lượng bệnh nhân KCB theo BHYT chưa cao; mỗi năm, được ngân sách Nhà nước cấp khoảng 6 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu từ viện phí theo mức mới chỉ được 4 tỷ đồng; như vậy, BV vẫn còn thiếu 2 tỷ để trang trải cho các hoạt động thường xuyên.

Khó nhất trong việc tự chủ tài chính là các Trung tâm Y tế (TTYT) huyện. Do các TTYT hiện thực hiện 2 chức năng vừa KCB, vừa dự phòng dịch, bệnh nên gặp phải trở ngại lớn khi nguồn thu từ viện phí phải “gồng gánh” chi phí cho lĩnh vực dự phòng. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc TTYT huyện Phong Điền, hoạt động dự phòng, gồm phòng, chống bệnh dịch, phụ trách chuyên môn trạm y tế.. Những hoạt động này chỉ chi chứ không có thu. Nếu giao cho TTYT huyện tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên thì phải tách riêng 2 lĩnh vực. Lĩnh vực dự phòng tiếp tục được hưởng ngân sách, còn điều trị KCB sẽ tiếp tục giải bài toán về tự chủ tài chính.

Một lãnh đạo BV tuyến huyện cho rằng, việc tự chủ tài chính cho hoạt động thường xuyên hiện vẫn có nơi làm được, nơi chưa. Nhiều lý do khách quan, như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế, đội ngũ cán bộ cồng kềnh, cơ sở lại nằm gần BV tuyến tỉnh, Trung ương việc thu hút bệnh nhân là bài toán nên khó bảo đảm nguồn thu để tự chủ. Theo lãnh đạo này, với đơn vị có điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị và đội ngũ cán bộ được xem là điểm sáng y tế của tỉnh; vậy nhưng, qua một tháng vận hành thử nghiệm chủ trương của bộ, văn bản của sở, tổng thu các dịch vụ KCB tại đơn vị chỉ vừa đủ trả đủ lương cho cán bộ và một phần trực gác, phẫu thuật... Còn lại điện, nước, các vật tư tiêu hao chưa tính đến.

Thêm khó khăn nữa là việc sử dụng tài sản Nhà nước tại các cơ sở KCB công lập để mở rộng phát triển các dịch vụ phải được các cấp có thẩm quyền giao tài sản theo hình thức giao vốn cho doanh nghiệp. Hiện nay chưa có hướng dẫn đầy đủ và chưa đơn vị nào được bàn giao tài sản theo hình thức giao vốn cho doanh nghiệp.

Chờ các văn bản hướng dẫn

Bác sĩ CK II Lê Đình Thao, Giám đốc TTYT thị xã Hương Trà cho rằng, khi tiến hành tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, các đơn vị y tế sẽ giải quyết bài toán tự chủ về nguồn nhân lực. Hiện nay, chưa có hướng dẫn để các đơn vị thực hiện việc tự chủ về nhân lực. “Tự chủ về nhân lực là yếu tố quan trọng giúp BV có thể tự chủ tài chính tốt. Khi được giao quyền quyết định nhân lực, lãnh đạo BV xem xét những nơi thừa, bổ sung những chỗ thiếu phù hợp để tiết giảm những khoản chi không cần thiết. Do chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên các cơ sở KCB lúng túng trong việc bố trí, sắp xếp, tinh giản nhân sự phù hợp với tình hình mới” - Bác sĩ Thao cho biết.

Một lãnh đạo BV tuyến tỉnh nhận định, tính lương vào giá viện phí là chủ trương đúng, nhưng có lẽ 1-2 năm nữa BV mới có thể thực hiện. Trước hết, bộ ngành cần có hướng dẫn rạch ròi giữa hai lĩnh vực KCB và phòng dịch bệnh ở TTYT, các BV Lao phổi, BV Phong-Da liễu; BV Tâm thần...Đây là những cơ sở y tế khám điều trị các bệnh xã hội, phần lớn thu hút bệnh nhân nghèo; nếu tự chủ tài chính, trả lương cho cán bộ nhân viên e rằng không đủ sức. “Tự chủ tài chính nếu không có bệnh nhân thì BV đóng cửa. Ngay các BV Đa khoa trong xu thế hiện nay phải nỗ lực lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng đến sự hài lòng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; đầu tư mở rộng các dịch vụ KCB hiện đại, kỹ thuật cao mới nghĩ đến việc tự chủ tài chính, đưa lương vào giá viện phí...” Vị lãnh đạo này nói.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, hiện các cơ sở y tế địa phương thực hiện chủ trương việc tính tiền lương vào giá viện phí của Bộ Y tế đề ra. Để triển khai thuận lợi, hiệu quả, hiện đang chờ các văn bản hướng dẫn từ Bộ Y tế để có “bộ khung” áp dụng một cách cụ thể, rõ ràng cho từng đối tượng, từng lĩnh vực; cơ sở y tế ở khu vực miền núi, đồng bằng, thành phố... Một số BV trên địa bàn có thể tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, như BV Mắt, Răng Hàm Mặt, BV Phú Vang, BV Hương Trà...

Theo Thông tư 37/2015 của Liên Bộ Y tế - Tài chính, giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT của gần 2.000 dịch vụ y tế (gồm cả tiền lương của nhân viên y tế) sẽ tăng khoảng 50% so với trước đây, với lộ trình cụ thể: Đợt 1, dự kiến cuối tháng 8/2016 sẽ áp dụng mức viện phí mới tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%; đợt 2 vào tháng 10/2016 tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT khoảng 90% và có mức tác động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp; đợt 3 được thực hiện vào tháng 11/2016 tại nơi có tỷ lệ bao phủ BHYT 85%; đợt 4 vào tháng 12/2016, tại địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 80%; đợt 5 vào tháng 1/2017 tại các tỉnh còn lại.

Minh Văn