Tháo bẫy ảnh tại Khu BTSL

Tìm kiếm những loài thú quý hiếm

Sau cơn mưa rừng bất chợt, cũng là lúc những cán bộ bảo vệ rừng tại BQLKBTSL lỉnh kỉnh chuẩn bị đủ thứ để thực hiện những chuyến tuần rừng, gỡ bẫy thú, đặt bẫy ảnh. Ông Nguyễn Thanh, Phó Giám đốc BQLKBTSL cho hay, ban và hạt gồm 25 cán bộ, mỗi đội tuần tra của đơn vị thường có 6 người, gồm các lực lượng của ban, hạt và dự án WWF phối hợp. Bao năm qua, bằng sức trẻ, nhiệt huyết, họ đã góp phần không nhỏ bảo vệ những cánh rừng, các loài động vật quý hiếm.

Gắn bó với từng khoảnh rừng trong khu bảo tồn nhiều năm nay, với anh Bùi Hữu Vinh, bẫy ảnh nhằm  tìm được những loài thú quý, trong đó sao la là ưu tiên số một. Bởi từ khi xuất hiện trong bẫy ảnh ở Quảng Nam, đến nay, sao la vẫn là một “ẩn số” chưa lời giải. Mỗi chuyến đi rừng, nhân viên thường được trang bị từ 4-6 máy. Ngoài công tác tuần rừng, đội bảo vệ rừng luân phiên mỗi tháng vào khu vực bẫy ảnh lấy dữ liệu, thay pin cho máy một lần.

Theo anh Vinh, đặt bẫy ảnh vị trí nào để thuận lợi trong việc ghi hình ảnh động vật mà không bị vật tác động làm hư máy hay mất cắp do con người cũng là một “kỹ năng” của người đặt. Từ nhiều năm nay, việc trang bị máy bẫy ảnh cho KBTSL luôn phát huy hiệu quả trong việc nghiên cứu đa dạng sinh học. “Bẫy ảnh cho phép thu thập được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng với những thao tác đơn giản và chi phí hợp lý mà không làm xáo trộn đời sống của các loài động vật, từ đó có những phương pháp bảo tồn hiệu quả”, anh Vinh chia sẻ.

Là cán bộ giữ rừng thuộc thế hệ “hậu bối”, với anh Trần Ky, công tác bẫy ảnh buổi đầu còn khá mới mẻ bởi nó mang đầy tính “công nghệ”. “Làm lâu thấy quen, qua nhiều năm, anh em rất vui khi qua phương pháp khảo sát và đặt bẫy ảnh, đơn vị đã phát hiện và ghi nhận nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ VN và thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng như sao la, mang Trường Sơn, gà lôi. Cũng có cá thể như loài thỏ vằn, trước đây chỉ tìm thấy ở Nghệ An, Quảng Bình, nhưng mới đây được phát hiện tại KBTSL.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (KBTTNPĐ), mới đây, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam phối hợp cùng khu bảo tồn thông qua chương trình khảo sát, đặt bẫy ảnh đã ghi nhận 9 loài động vật đang bị đe dọa ở cấp độ toàn cầu, trong đó có hai loài cầy đang ở tình trạng nguy cấp (theo sách đỏ của IUCN năm 2016) là cầy vằn và cầy giông sọc. Giám đốc KBTTNPĐ- Đặng Vũ Trụ cho hay: “Loài cầy vằn ở Việt Nam hiện mới chỉ được ghi nhận qua bẫy ảnh ở hai khu KBTTNPĐ năm 2016 và KBTSL năm 2015. Trong khi đó, loài cầy giông sọc mới chỉ được ghi nhận lần đầu trong tự nhiên bằng phương pháp bẫy ảnh tại KBTTNPĐ. Việc ghi nhận hai loài cầy nói trên có ý nghĩa to lớn về khoa học và công tác bảo tồn”, ông Đặng Vũ Trụ đánh giá.

“Bát canh” trời nấu

Phó Giám đốc BQLKBTSL tếu táo: “Anh em nhân viên quản lý, bảo vệ rừng ở đơn vị thường truyền tai nhau câu nói “bát canh trời nấu”. Số là, sau chuyến tuần tra, truy quét, đoàn bảo vệ rừng thường dựng trại, nấu ăn và ngủ lại trong rừng. Tuy nhiên, gặp những địa hình dốc, nấu bát canh xong phải chụm lưng nhau mà ăn vì không có chỗ ngồi, vừa ăn nước canh lúc đầu thì mặn, nước mưa thấm dần làm canh nhạt. Nên “bát canh trời nấu” là rứa đó”.

“Năm 2016, BQL đã triển khai công tác chốt chặn và truy quét các điểm có nguy cơ cao về xâm hại đến tài nguyên rừng. Riêng 18 đợt truy quét tại rừng, tịch thu hơn 16,6m3 gỗ các loại. BQLKBTSL còn phối hợp với các nhóm bảo vệ rừng của dự án WWF tiến hành 90 đợt tuần tra thực thi pháp luật,  tháo gỡ hơn 8.435 bẫy động vật, hủy 65 lán trại trái phép trong rừng”, ông Nguyễn Thanh, PGĐ BQLKBTSL thông tin.

Tuần rừng chớm xuân cũng có những gian truân vất vả bởi tiết trời ẩm ướt. Ký ức của những chuyến đi rừng đáng nhớ nhất với anh Vinh, anh Ky là lúc rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất- mà như lời anh Vinh nói: “Không đam mê không bao giờ làm được”. Đó là câu chuyện nhóm bếp lửa giữa rừng già. Anh Vinh kể: “Thường tuần tra, truy quét xong, kiếm được một nơi bằng phẳng, ít dốc trong rừng già rất khó, nhóm được một bếp lửa dưới mưa và độ ẩm cao càng khó hơn. Không có lửa thì không nấu ăn, không sưởi ấm được. Đến khi nhóm được rồi thì anh em quây quần như nhóm trại. Lúc ấy, chúng tôi lại nghĩ về lớp cha anh - những bộ đội Trường Sơn một thuở”.

Có những cán bộ trẻ khi mới vào nghề “tuần rừng” đành bỏ việc giữa chừng không phải không chịu được nỗi cơ cực mà đơn giản là…không ngủ được. “Mỗi chuyến tuần tra kéo dài có khi 5-7 ngày (nếu không có người đổi ca). Ban đêm, nhiệt độ trong rừng có khi xuống tận 5 độ c. Bởi thế, phải tranh thủ ngủ sớm. Đến khoảng 0 giờ thì dậy. Không dậy thì cũng…phải dậy vì lạnh thấu xương không ngủ được. Ngồi nhóm lửa từ đó cho đến sáng. Vì thế, không ít cán bộ trẻ không trụ được, đành nghỉ việc”, anh Ky tâm sự.

Có những cuộc điện thoại “chập chờn sóng” trong rừng sâu đã giúp anh em bảo vệ rừng có thêm động lực khi nghe được tiếng vợ, con, người thân ở nhà trong không khí chuẩn bị tết. Nhiều người đang tuần tra rừng thì ở nhà xảy ra chuyện phải điều cán bộ vào thay. Thậm chí, có trường hợp, không liên lạc được khi vào những cánh rừng sâu, phải cử người vào báo tin, đổi ca để đồng đội của mình về nhà cấp tốc đưa vợ đi sinh...

Bài, ảnh: Hà Nguyên