Chiều thơ tại Tịnh Tâm Kim Cổ

Thơ mới lại... ra lò

Bên cạnh các thi lão và những nhà thơ trẻ, các hội thơ tiếp tục chào đón những người yêu thơ và làm thơ trẻ với những bài thơ mới. “Chúng tôi khuyến khích những người yêu thơ đến với những đêm thơ Nguyên Tiêu. Các năm qua, những cây bút yêu thơ trẻ ở Trường trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế và sinh viên Đại học Huế cũng có đóng góp các tác phẩm cho những đêm thơ và năm nay cũng vậy”, ông Ngọc nói.

Khó đếm hết những tác phẩm thơ mới ra đời mỗi năm tại Huế vì người sáng tác chuyên và không chuyên khá nhiều. Chỉ xét riêng trong CLB thơ Hương Giang có 120 hội viên, trong đó có hơn 20 người đã trên 80 tuổi vẫn miệt mài, đam mê sáng tác. Mỗi chương trình thơ, đa phần họ có mặt đông đủ và mang theo những bài thơ mới sáng tác để có thể “khoe” với những người cùng chung tâm hồn. Ông Phan Công Tuyên, Chủ tịch Hội thơ Hương Giang phấn khởi: “Mạch thơ trong họ không bao giờ tắt bởi một niềm đam mê, tình yêu thơ đã ăn sâu vào máu thịt”.

Khơi nguồn sáng tạo

Những năm qua, thơ và một số loại hình văn hóa, nghệ thuật khác đang “suy yếu”. Nguyên nhân chính là sự ra đời và phát triển của công nghệ thông tin với đa dạng hình thức giải trí khiến lượng người cảm thụ các giá trị văn học, nghệ thuật, trong đó có cả thơ bị chia sẻ. Đây là tình trạng chung của tất cả các địa phương trên cả nước. Một số người có chuyên môn nhận định, lý do chính là thiếu các sân chơi thực sự hấp dẫn.

Tại Huế, có hai sự kiện chính của người yêu thơ là Festival Huế và Ngày thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng). So với các kỳ festival, lượng công chúng đến thưởng thức những đêm thơ ít hơn, song vẫn có sức hút. Nhiều du khách lần đầu đến mảnh đất Cố đô đã thừa nhận “chân đi không đành” khi thấy những đêm thơ tại Nhà Kèn (đối diện Trường Đại học Sư phạm Huế) vì đây là bản sắc, nét văn hóa độc đáo của mảnh đất miền Hương Ngự.

Ông Ngọc khẳng định, chương trình thơ nhân Ngày thơ Việt Nam hằng năm là cơ hội tốt để khơi nguồn sáng tạo cho những thế hệ yêu thơ. Sáng tác và đem thơ ra “khoe” với công chúng là niềm hãnh diện của người làm thơ, từ đó kích thích sự sáng tạo của mỗi người. Nhiều bạn trẻ khi ghé lại đây đã trỗi dậy tình yêu thơ, thích sáng tác. Theo ông Ngọc, có sinh viên, học sinh đã bày tỏ tình cảm của mình khi gặp các nhà thơ ngoài đời, xin chụp ảnh chung với các nhà thơ, đó là biểu hiện cho thấy sân chơi này phát huy được hiệu quả khơi nguồn cảm hứng yêu thơ. Cũng từ đây, nhiều cây bút không chuyên đã viết tiếp những vần thơ trên đất Huế để Ngày thơ Việt Nam hằng năm trở thành món ăn tinh thần đặc sắc.

Nhiều người cho rằng, gặp nhau vào dịp Tết Nguyên Tiêu và nghe thơ của nhau, tâm hồn những nhà thơ xứ Huế lại có cảm hứng “đẻ” ra thơ. Vì thế, thơ vẫn “sống” tốt trên đất Huế và mỗi năm họ lại cùng thay đổi “thực đơn” cho cảm giác bằng những tác phẩm mang hơi thở riêng nhưng có chung niềm đam mê.

Những hồn thơ không tuổi

Ngày 1/8/2013, Câu lạc bộ thơ Tam Giang (huyện Quảng Điền) được thành lập và đến tháng 8/2016 trở thành Chi hội Thơ Tam Giang, trực thuộc Hội thơ Hương Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế). Chi hội hiện có 25 thành viên, sinh hoạt hàng quý. Ngoài giao lưu nội bộ, chi hội còn thường xuyên tổ chức các hoạt động dã ngoại, tham quan các danh thắng của địa phương, giao lưu với các chi hội thơ bạn (như Chi hội thơ Sông Bồ, thị xã Hương Trà) gợi cảm hứng, khích lệ, động viên các cây bút sáng tác nhiều hơn, hay hơn.

Trong hơn 3 năm hoạt động, chi hội cho xuất bản 2 tập thơ với hàng chục bài thơ của các thành viên. Ông Trương Hào (bút danh Văn Hào), 70 tuổi, là thành viên lớn tuổi nhất cũng là người gắn bó với chi hội từ ngày thành lập đến giờ cho hay: “Tuổi già lấy thơ bầu bạn, được hội ngộ anh em cùng trao đổi thơ văn là niềm vui lớn của tôi”. Ông Hào ngâm: “Thơ tôi là hành trang cũ kỹ/ Góp nhặt vào đời làm lộ phí trần gian”.

Không chỉ thu hút người cao tuổi, cán bộ hưu trí, chi hội còn gây sự chú ý với bạn trẻ yêu thơ. Những mái đầu bạc liền kề với mái đầu xanh cùng nhau ngâm thơ, cùng nhau bình luận về ca từ. Có người đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, nhưng vần thơ vẫn phơi phới xuân, lại có người trẻ nhưng dày dặn trên từng câu chữ. Anh Lê Ngọc Phước (26 tuổi) hiện là sinh viên Học viện Âm nhạc Huế là thành viên trẻ nhất của chi hội tâm sự: “Ban đầu, sự chênh lệch về tuổi tác và cách suy nghĩ khiến tôi không tự tin lắm khi tham gia. Nhưng rồi tôi nhận ra giữa những hồn thơ thì nào đâu có tuổi”.

PHƯỚC LY

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc