Bị đẩy xuống hàng thứ ba về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận mới đây về cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống Pháp 2017, ứng cử viên của phong trào "Nước Pháp Tiến bước" Emmanuel Macron đang khẩn trương khắc phục những "khiếm khuyết" của mình, khôi phục vị thế.

ung vien tong thong phap emmanuel macron tim cach khoi phuc vi the hinh 1
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tìm cách khôi phục vị thế sau khi tỷ lệ ủng hộ ông rơi xuống hàng thứ ba. Ảnh: AFP.
 

Đưa ra dự án kinh tế

Do bị phê phán là thiếu một chương trình hành động cụ thể, ứng cử viên Tổng thống Emmanuel Macron đã lập tức hé mở những mục tiêu kinh tế lớn trong cuộc trao đổi với báo Les Echos chiều 23/2. 

Giảm chi tiêu công 60 tỷ Euro, đề ra kế hoạch đầu tư công 50 tỷ Euro và hạ thuế bắt buộc 20 tỷ Euro...đó là những con số nổi bật trong dự án kinh tế cho nước Pháp được Emmanuel Macron cam kết thực hiện nếu ông đắc cử.

Để giảm 3 nấc trong chi tiêu công trong 5 năm, tương đương 60 tỷ Euro, Emmanuel Macron dự định tiết kiệm 15 tỷ Euro trong bảo hiểm y tế, nhưng không bãi bỏ y tế công. Để thực hiện mục tiêu này, 120.000 vị trí công chức (trong đó có 70.000 thuộc khu vực địa phương và 50.000 thuộc khu vực nhà nước) bị bãi bỏ.

Về kế hoạch đầu tư công 50 tỷ Euro trong 5 năm nhằm hình thành "một mô hình phát triển mới", 15 tỷ Euro sẽ dành cho việc đào tạo thanh niên và những người xin việc. 15 tỷ Euro khác dành cho việc chuyển dịch năng lượng và môi trường. Việc hiện đại hóa các công sở, nông nghiệp, vận tải địa phương và y tế cũng là những đối tượng đầu tư với 5 tỷ Euro mỗi khu vực.

Về cải cách thị trường lao động. Theo tinh thần của Luật El Khomri, Emmanuel Macron muốn tạo sự mềm dẻo hơn cho luật lao động, nhất là việc tạo điều kiện cho những thỏa thuận của các doanh nghiệp chiểu theo luật. 

Ông Emmanuel Macron cũng muốn cải cách bảo hiểm thất nghiệp, giúp nó trở nên phổ biến, giống như bảo hiểm y tế, cho phép mỗi các nhân được thụ hưởng.

Ông cam kết không động chạm tới tiền bồi thường thất nghiệp, cũng như thời hạn bồi thường. Tuy nhiên, gia tăng những quy định buộc người thất nghiệp phải nỗ lực tìm việc.

Ông Emmanuel Macron cũng đề ra những mục tiêu tăng trưởng thận trọng, từ 1,4% năm 2017 lên 1,8% năm 2022. Về thâm hụt ngân sách, ông dự kiến mức 2,9% năm 2017 và cam kết duy trì ở mức dưới 3% PIB do Ủy ban châu Âu quy định.

Tranh thủ liên minh

Ngày 22/2, tại trụ sở MoDem, Francois Bayrou tuyên bố không ra tranh cử và đề nghị một liên minh với Emmanuel Macron nhằm làm lành mạnh hóa và đổi mới đời sống chính trị nước Pháp. 

Đây là điều khá bất ngờ và là cơ hội lớn với Emmanuel Macron. Bất ngờ vì Francois Bayrou từng là người thể hiện sự phản đối mạnh mẽ bộ luật kinh tế sửa đổi do Emmanuel Macron chủ trì khi còn là Bộ trưởng kinh tế, thường gọi là "Luật Macron". Cơ hội vì Emmanuel Macron, ứng cử viên tự do, người đang thiếu nguồn cử tri ủng hộ vững chắc do còn quá trẻ và không thuộc phái nào cả, đang muốn thu hút sự ủng hộ của nhiều cánh.

Sự liên minh với Francois Bayrou chứng minh cho khả năng tập hợp nhiều lực lượng của Emmanuel Macron, bỏ qua những bất đồng vì lợi ích cao nhất của nước Pháp. Ngay sau tuyên bố của Francois Bayrou, Emmanuel Macron đã có cuộc gặp gỡ trao đổi và họp báo chung, tuyên bố chấp nhận liên minh với Francois Bayrou và thấy ở đề nghị này "một bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử" cũng như "bước ngoặt trong đời sống chính trị".

Ông Francois Bayrou, sinh năm 1951, là một nhà chính trị chuyên nghiệp. Ông đã từng ra ứng cử Tổng thống các năm 2002, 2007, 2012, từng làm Bộ trưởng Giáo dục từ 1993-1997. Hiện ông là Chủ tịch đảng Phong trào Dân chủ (MoDem).

Qua điều tra của viện Odoxa, công bố ngày 24/2, 2/3 người Pháp tán thành liên minh Macron-Bayrou. 62% cho rằng ông Francois Bayrou đã có một quyết định đúng đắn khi liên minh với Emmanuel Macron. Trong số những người có thiện cảm với cánh tả, 76% tán thành, 37% phản đối. Tỷ lệ này ở những người thiện cảm với cánh hữu là 53% - 47%. 

Uy tín của ông Francois Bayrou cũng tăng lên theo quyết định này. 61% cho rằng ông "có niềm tin vững chắc" (tăng 8 điểm so với tháng 9/2016); 54% thấy ông "dũng cảm"; 55% cho rằng ông đặt lợi ích nước Pháp lên trên hết.

50% số người được hỏi cho rằng sự ủng hộ của Francois Bayrou là một chỗ dựa quan trong trong chiến dịch tranh của Emmanuel Macron.

Cũng qua điều tra, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên của phong trào "Nước Pháp Tiến bước" Emmanuel Macron tăng 3 điểm sau tuyên bố của Francois Bayrou, đạt 22,5%, đứng sau ứng của viên của đảng cực hữu FN Marine Le Pen, đạt 26,5%.

Điều đáng lưu ý là quyết định của Francois Bayrou dường như đang tạo hiệu ứng để một số đảng phái và phong trào khác liên minh với Emmanuel Macron./.

Theo VOV