Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2017 cho thấy, phần lớn trong số ước tính 325 triệu người sống chung với viêm gan siêu vi B hoặc viêm gan C mạn tính không được tiếp cận với các xét nghiệm và phương pháp điều trị cần thiết, đẩy họ vào nguy cơ cao về các bệnh mãn tính như bệnh gan, ung thư, và thậm chí tử vong.
Bác sĩ tiêm phòng vaccine viêm gan B cho trẻ. Ảnh: Getty
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2017 cho thấy, phần lớn trong số ước tính 325 triệu người sống chung với viêm gan siêu vi B hoặc viêm gan C mạn tính không được tiếp cận với các xét nghiệm và phương pháp điều trị cần thiết, đẩy họ vào nguy cơ cao về các bệnh mãn tính như bệnh gan, ung thư, và thậm chí tử vong.
Theo báo cáo, chỉ có 9% các ca nhiễm virus viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) được chẩn đoán trong năm 2015. Thậm chí số bệnh nhân bắt đầu điều trị trong năm đó còn thấp hơn - chỉ 8% những người được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan siêu vi B và 7% với các bệnh nhân nhiễm viêm gan C.
Tổng giám đốc WHO - bà Margaret Chan, cho biết, "viêm gan siêu vi đang được xem là một thách thức lớn đối với sức khoẻ cộng đồng và đòi hỏi phải có phản ứng cấp bách".
Báo cáo cũng cho thấy, việc tăng phạm vi tiêm chủng HBV ở trẻ em đã góp phần đáng kể giúp ngừa tình trạng tử vong do loại virus đó gây ra.
Trên toàn cầu, 84% trẻ em sinh ra vào năm 2015 nhận được 3 liều vaccine HBV được đề nghị tiêm chủng. Tuy nhiên, vào năm 2015, ước tính có khoảng 257 triệu người, chủ yếu là những người lớn sinh ra trước khi có vaccine HBV, đang sống với bệnh viêm gan B mãn tính. Hiện, không có vaccine chống HCV, và việc tiếp cận điều trị cả HBV và HCV đang ở mức thấp.
Nhiễm HBV cần được điều trị suốt đời, và viêm gan C có thể được chữa khỏi trong một thời gian tương đối ngắn bằng cách sử dụng các loại thuốc chính xác, do đó nhu cầu cần được xét nghiệm và điều trị có vai trò rất quan trọng.
Tố Quyên (Lược dịch từ Mediacentre & UN)