Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thông qua kế hoạch gia hạn thêm 2 năm lệnh cấm phát hành giấy phép mới nhằm sử dụng các vùng đất được coi là rừng nguyên sinh và đất than bùn, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp nước này cho biết sáng nay (24/5).
Indonesia thường xảy ra cháy rừng nghiêm trọng trong mùa khô. Ảnh: Zee News
Đây là đợt gia hạn lệnh cấm lần thứ 3, sau khi được tiến hành lần đầu tiên vào năm 2011 dưới thời cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, trong một nỗ lực nhằm giảm lượng phát thải do các đám cháy từ nạn phá rừng gây ra.
Lệnh cấm trước đó đã hết hạn vào ngày 20/5 vừa qua và đợt gia hạn mới nhất này sẽ cho phép các cơ quan có thêm thời gian để đưa ra các quy định về sử dụng rừng, Bộ trưởng Môi trường và Mâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar cho biết trong một văn bản.
Đến tháng 11 năm 2016, lệnh đóng cửa rừng của chính phủ Indonesia đã bao phủ trên diện tích hơn 66 triệu ha.
Indonesia rất dễ bị cháy rừng trong mùa khô, nguyên nhân thường được cho là do sự tháo nước ở các vùng đất than bùn và việc giải phóng mặt bằng cho nông nghiệp.
Khói bụi từ các đám cháy thường được thổi qua các nước láng giềng như Singapore và Malaysia, gây nguy hiểm cho sức khoẻ.
Đã có nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Indonesia trong năm 2015, ảnh hưởng chủ yếu đến các đảo Sumatra và Kalimantan. Ngân hàng Thế giới ước tính khoảng 2,6 triệu ha đất ở Indonesia đã bị thiêu hủy vào thời điểm đó, gây thiệt hại 16 tỷ USD.
Indonesia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và các nhà môi trường cáo buộc rằng, rất nhiều vụ phá rừng xảy ra nhằm giải phóng mặt bằng cho các vụ mùa dầu cọ.
Tố Quyên (Lược dịch từ Straitstimes & CNA)