Cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng Nhật Bản Eiichi Hasegawa cho biết, một phái đoàn chính phủ Nhật Bản hôm nay (27/6) đã tới quần đảo tranh chấp mà Nga gọi là Kuril, Nhật Bản gọi là quần đảo phương Bắc để tìm kiếm các cơ hội tiềm năng cho việc hợp tác giữa Moscow và Tokyo.
Quần đảo tranh chấp mà Nga gọi là Kuril, Nhật Bản gọi là quần đảo phương Bắc. Ảnh: Wikimedia
Phái đoàn Nhật Bản có chuyến thăm 5 ngày tới quần đảo Kuril bắt đầu từ hôm nay, dự kiến sẽ thăm các cơ sở đã được công nhận là tương lai cho sự phát triển của các hoạt động kinh tế chung giữa 2 nước Nga-Nhật trên quần đảo. Theo Sputnik, đoàn thị sát gồm các quan chức chính phủ và 70 doanh nhân.
"Các dự án cụ thể không thể được hình thành cho tới khi chúng ta tìm ra được giải pháp chung cho vùng đất, đó là lý do tại sao chuyến đi này là một bước tiến lớn. Chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện một nghiên cứu rất chi tiết và tìm ra các cơ hội tiềm năng...", ông Hasegawa cho biết.
Quan hệ Nga-Nhật từ lâu đã trở nên phức tạp bởi thực tế, hai quốc gia này chưa bao giờ ký một hiệp ước hòa bình lâu dài từ sau khi Thế chiến II kết thúc. Nguyên nhân được cho là do sự bất đồng đối với một nhóm các hòn đảo đang tranh chấp mà Nga gọi là Kuril và Nhật Bản là các vùng lãnh thổ phía Bắc, bao gồm 4 lãnh thổ: Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai.
Việc tái thiết mối quan hệ giữa Moscow và Tokyo bắt đầu khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và trình bày một kế hoạch kinh tế song phương 8 điểm trong chuyến công du đến Sochi, Nga hồi tháng 5/2016. Kế hoạch này bao gồm các lĩnh vực như phát triển dầu khí, hiện đại hóa các cảng và sân bay ở vùng Viễn Đông Nga. Tháng 9 cùng năm, Thủ tướng Abe cũng tham gia Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) 2016 tại Vladivostok của Nga.
Ngày 21/4 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko nói rằng, quan hệ kinh tế giữa Tokyo và Moscow có thể được củng cố nhờ niềm tin lẫn nhau giữa 2 nhà lãnh đạo Abe và Putin.
Tố Quyên (Lược dịch từ Sputnik)