Cuộc thi robot “công nghệ thấp” có xuất xứ từ Nhật Bản, với tên gọi: “Hebocon” đang dần trở nên nổi tiếng ở nhiều quốc gia. Đây là cuộc thi khuyến khích những người trẻ tuổi có thể trình bày các sáng tạo của mình.
Trẻ em hào hứng theo dõi cuộc chiến giữa những robot thủ công, robot công nghệ thấp ở San Mateo, California vào tháng 5. Ảnh: Japan Times
Tháng 5/2017, hàng chục người tập trung về thành phố San Tameo, thuộc tiểu bang California (Hoa Kỳ) để cùng tham dự loạt đấu loại của giải Hebocon. Sự kiện này được tổ chức như một phần của triển lãm Maker Faire – nơi hội tụ của những người đam mê sáng tạo. Luật thi đấu tương tự như môn võ sumo của Nhật Bản, nếu robot tham gia bị vật ngã hoặc bị đẩy ra “khỏi sàn đấu” là một tấm bảng dài 50cm x 100cm, sẽ bị thua cuộc.
Điểm đặc biệt ở cuộc thi này là phần lớn các chủ robot đều không am hiểu về công nghệ, hầu hết các “tuyển thủ” đều được làm bằng tay ngay sau khi người chơi đến địa điểm thi đấu. Nguyên liệu thường là kéo, keo, đũa gỗ,... và hoạt động bằng cách sử dụng đồ chơi cơ khí đơn giản được nhà tổ chức cung cấp.
Hebocon không chỉ là nơi tranh đấu của những sáng tạo công nghệ, mà còn được xem là những giây phút giải trí bổ ích cho nhiều người. Cụ thể là khi robot không chịu di chuyển dù đã vào hiệp đấu, một số khác đi sai hướng hoặc quay lưng với đối thủ.
Một học giả Thụy Điển cho hay, Hebocon giúp nhiều người ở bất kể mọi trình độ, tầng lớp có thể tiếp tục nuôi dưỡng sự sáng tạo của mình.
Một ý kiến khác từ David Cuartielles, kỹ sư viễn thông trong phát biểu tại Đại học Malmo (Thụy Điển): “ Hebocon mở ra khả năng chế tạo máy móc dù trước đó con người chưa có bất kỳ am hiểu gì về công nghệ, đồng thời là dấu hiệu cho sự phát triển một cách sáng tạo trong sản xuất của những người có chuyên môn”.
Đan Lê (Lược dịch từ Japan Times)