Hãng thông tấn CNA News ngày 6/9 đưa tin, các nhà nghiên cứu cho rằng, virus Zika có thể tàn phá não của những bào thai đang phát triển, nhưng sức mạnh hủy diệt của nó cũng có thể được khai thác để chống lại một dạng ung thư não ở người trưởng thành.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, loại virus gây bệnh từ muỗi này có khả năng phá hủy Glioblastomas, một trong những dạng u não phổ biến nhất.
Mỗi năm, Glioblastomas ảnh hưởng đến sức khỏe của 12 ngàn người Mỹ và gần đây, Thượng Nghị sĩ John McCain cũng được chẩn đoán mắc bệnh này. Đối với Glioblastomas, phác đồ điều trị chuẩn là hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, phần lớn đều không mang lại kết quả khả quan, khi đa số các bệnh nhân chỉ cầm cự được khoảng 2 năm.
Quan sát muỗi Aedes aegypti - loại muỗi gây ra chủng bệnh Zika . Ảnh : AFP
Mặc dù virus Zika được biến đến là một chủng virus nguy hiểm khi gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ em, nhưng hầu hết chúng không ảnh hướng quá lớn đến sức khỏe của người trưởng thành.
Nhờ đó, nhiều nghiên cứu được thực hiện với chủng virus này đã đem lại nhiều kết quả khả quan, vì mục tiêu chính của Zika là các tế bào gốc của bệnh ung thư não, để trực tiếp giết chết loại tế bào Glioblastoma nguy hiểm, khó điều trị.
Trong quá trình nghiên cứu, thí nghiệm được thực hiện trên 33 con chuột có khối u não. Sau 2 tuần, hầu hết các khối u trên đều nhỏ đi đáng kể, thời gian sống của chuột cũng được kéo dài.
Đương nhiên, sẽ cần một thời gian nghiên cứu dài hơn trước khi điều trị cho con người. Trong trường hợp nghiên cứu thành công và đưa vào chữa trị, virus Zika có thể sẽ được tiêm trực tiếp vào não, trong suốt quá trình phẫu thuật, để loại bỏ hoàn toàn khối u nguyên phát.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA News)