![](https://file.baothuathienhue.vn/data2/image/fckeditor/upload/2017/20171105/images/ky-niem.jpg)
Bác Hồ và anh hùng vũ trụ German Titốp. Ảnh: Internet
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quý mến Giécman Titốp và đặt tên ông cho một hòn đảo ở vịnh Hạ Long khi ông sang thăm Việt Nam năm 1962.
Trong dịp kỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Mười Nga, Bình Trị Thiên có nhiều hoạt động sôi nổi. Các cuộc phát hành sách báo, phim ảnh, triển lãm tranh ảnh, tọa đàm mít tinh, liên hoan văn nghệ, các lớp khai giảng học tiếng Nga... đã được tổ chức. Từ ngày 4/11/1980 đã có phóng viên của Hãng thông tấn Nôvôsti (Liên Xô), Nicôlai Alếchxăng Ixaiép đến Huế để đưa tin về các hoạt động kỷ niệm.
Tuy nhiên, điểm nhấn của các hoạt động này là chuyến thăm của Đoàn đại biểu hữu nghị Xô-Việt tại Bình Trị Thiên. Đoàn do ông Giécman Titốp, Anh hùng vũ trụ Liên Xô, Anh hùng lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Xô-Việt dẫn đầu. Đoàn còn có: ông Ivan Pôdơrốp, Anh hùng lao động Liên Xô, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Prát; ông Iacốp Pirôvalốp, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên Xô và bà Irina Iacôvơlôva, giáo viên dạy tiếng Nga. Ông Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt- Xô cùng đi với đoàn. Chiều 8/11/1980, tại trụ sở Tỉnh ủy, các đồng chí Bùi San, Vũ Thắng cùng các đồng chí lãnh đạo khác của tỉnh Bình Trị Thiên đã nồng nhiệt tiếp đoàn.
Tại buổi tiếp, ông Titốp nói: “Qua sách báo, đoàn đã được biết đến mảnh đất kiên cường Bình Trị Thiên, nhưng hôm nay chúng tôi mới có dịp đến thăm. Nhân dân Liên Xô hiểu rất rõ nhiệm vụ của các đồng chí sau chiến tranh. Trong chiến tranh, nước Cộng hòa Bêlarút, đơn vị kết nghĩa với Bình Trị Thiên đã mất một phần năm dân số, sau 35 năm vẫn chưa khôi phục được nền kinh tế bằng trước chiến tranh. Thủ đô Minskơ chỉ còn lại một ngôi nhà. Chúng tôi sẽ cố gắng nói lại với Nhân dân Liên Xô tinh thần vượt khó khăn xây dựng đất nước của các đồng chí và tình cảm của Việt Nam đối với Liên Xô trong những ngày kỷ niệm này".
Tại Huế, đoàn đã đến thăm Trường đại học Tổng hợp Huế, nơi có Chi hội hữu nghị Việt- Xô. Tại đây, ông Titốp đã dành thời gian nói chuyện về chuyến bay lịch sử đi vào vũ trụ của Gorơbátcô và Phạm Tuân. Đoàn cũng đã đi thăm thắng cảnh chùa Thiên Mụ. Ông Titốp cùng các thành viên trong đoàn đã leo lên tháp Thiên Mụ, phóng tầm mắt ra xa ngắm quang cảnh thiên nhiên trời mây non nước của Huế.
Sáng 10/11/1980, đoàn đi thăm huyện Triệu Hải. Tại thị xã Quảng Trị, đoàn đã đi một vòng quanh thành cổ Quảng Trị, dừng lại hồi lâu trước ngôi nhà hai tầng chi chít vết đạn bom còn sót lại sau 81 ngày đêm địch hủy diệt thành cổ Quảng Trị. Buổi chiều, đoàn đi thăm Nông trường Tân Lâm. Nông trường và Chi hội hữu nghị Việt- Xô ở đây đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Kết thúc chuyến thăm Nông trường Tân Lâm, ông Titốp và đoàn đã trồng cây lưu niệm. Chín cây mít được trồng thành hai hàng, một hàng 6 cây, một hàng 3 cây- tượng trưng cho con số 63 là số năm kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Đứng trước hai hàng cây vừa mới trồng, đồng chí Lê Mậu Lộ, Giám đốc nông trường nói: "Thưa đồng chí Titốp và đoàn, nông trường và Chi hội hữu nghị Việt- Xô Tân Lâm xin phép đồng chí và đoàn, chúng tôi đặt tên cho hàng cây là “cây Titốp”. Sau 3 năm nữa, nông trường sẽ trồng tiêu quanh những gốc mít này. Cây Titốp sẽ làm trụ vững chãi để những cây tiêu leo". Mọi người vỗ tay tán thưởng. Trong không khí chan hòa tình hữu nghị Việt- Xô, đồng chí Lê Mậu Lộ tặng ông Titốp và các thành viên của đoàn những gói hạt tiêu khô -sản phẩm của nông trường. Tiếp đó, đoàn đã đi xem vườn tiêu, thăm hỏi cán bộ, kỹ sư, công nhân của nông trường đã lập nhiều thành tích trong đợt thi đua kỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Mười Nga.
Minh Khiêm