Hành động chống biến đổi khí hậu là vấn đề cần được chính quyền và người dân chung tay thực hiện. Ảnh: Today Online

Khu vực Đông Nam Á rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, do phần lớn dân cư và các hoạt động kinh tế đều tập trung dọc bờ biển. Người dân ở đây phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và lâm nghiệp, mức độ nghèo đói vẫn còn cao. Trong tương lai, biến đổi khí hậu sẽ khiến khu vực này phải chịu các tổn thất kinh tế to lớn như: giảm 50% sản lượng gạo, giảm 6,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2100... và nhiều tác động khác bao gồm: tăng lượng khí nhà kính hấp thụ trong bầu khí quyền, tăng áp lực nước, gây ra bão, lụt. Hậu quả chung là ảnh hưởng đến tương lai, tính mạng và sức khỏe của con người.

Mặc dù các nền kinh tế trong khu vực ASEAN không phải là tác nhân chính gây nên nguồn khí thải khổng lồ, song các nước thành viên của hiệp hội vẫn triển khai hàng loạt biện pháp nhằm giảm tối đa tác hại của biến đổi khí hậu. Cụ thể, Indonesia cam kết giảm 41% kịch bản kinh doanh theo cách thông thường (BAU) đến năm 2020, trong khi Philippines sẽ giảm khoảng 20% ​BAU trong lộ trình tăng trưởng…

Nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về nhu cầu cấp thiết trong công tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, Singapore chính thức tuyên bố năm 2018 sẽ là năm hành động khí hậu.

Với chủ đề trọng tâm này, ASEAN năm 2018 sẽ chứng kiến hàng loạt sự kiện quan trọng bao gồm: Tuần lễ nước quốc tế Singapore (SIWW), hội nghị thượng đỉnh CleanEnviro Singapore... Trên cương vị tân chủ tịch ASEAN, Singapore sẽ đề ra hàng loạt sáng kiến cơ bản để khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp giảm lượng khí Cacbon thải ra môi trường và giải quyết những thay đổi về khí hậu trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng tăng.

Để thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, Singapore nói riêng và các quốc gia ASEAN nói chung đã và đang tập trung đầu tư vào công tác cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm việc mở rộng hệ thống cống, rãnh thoát nước, cùng lúc đẩy nhanh tiến độ của các dự án xây dựng bờ kè ngăn lũ, lụt.

Với mục tiêu mở rộng phạm vi hành động vì môi trường, Singapore sẽ tổ chức các buổi làm việc với ban lãnh đạo của nhiều quốc gia trên thế giới để củng cố niềm tin, xây dựng năng lực giải quyết và hỗ trợ các nước cùng nhau đạt được mục tiêu dài hạn này.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, hiện ước tính có khoảng 150 cá nhân và tổ chức tại Singapore đã thống nhất thực hiện hành động về khí hậu. “Để chống lại sự nóng lên toàn cầu, chúng ta phải có nghĩa vụ đạo đức và đảm bảo rằng các thế hệ tương lai sẽ có thể kế thừa và phát triển trong một hành tinh xanh bền vững”.

Hạnh Nhi

Tổng hợp từ CNA & ASEAN Cooporation On Environment)