Hơn một nửa động vật hoang dã ở các khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới có thể sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này nếu không có những nỗ lực chống lại sự biến đổi khí hậu, một nghiên cứu mới dự đoán.
Một phần rừng nhiệt đới Amazon.
Theo kết quả của một nghiên cứu mới do Quỹ Động vật hoang dã thế giới, Đại học East Anglia và Đại học James Cook tiến hành, khoảng 60% cây trồng và 50% động vật hoang dã có thể bị biến mất khỏi hàng chục điểm nóng trên toàn cầu, bao gồm lưu vực Amazon và Madagascar vào năm 2100.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change cũng cho biết, ít nước uống hơn, do sự nóng lên toàn cầu, có thể dẫn đến căng thẳng nguy hiểm giữa động vật và con người; bên cạnh đó mực nước biển đang tăng lên có thể đẩy các loài từ vào sâu trong nội địa.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tác động của biến đổi khí hậu đối với gần 80.000 loài thực vật và động vật ở 35 khu vực tự nhiên - nơi được xem là ngôi nhà của những hệ sinh thái và có môi trường sống đặc biệt nhất hành tinh.
Khảo sát ba kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau: tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2 độ C, ngưỡng này được đặt ra trong Hiệp định khí hậu Paris, tăng 3.2 độ C, như dự đoán cho cuối thế kỷ, và tăng 4.5 độ C theo kết quả dự báo nếu lượng khí thải carbon tiếp tục tăng không kiểm soát.
Kết quả cho thấy nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 4.5 độ C sẽ gây ra tác động tàn phá vô cùng lớn đối với thực vật và động vật, đó là Amazon có nguy cơ mất 69% loài thực vật và nếu nhiệt độ tăng 3.2 độ C, 50% các loài động vật ở Amazon sẽ bị mất đi.
Giáo sư Rachel Warren, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Nếu sự ấm lên toàn cầu bị giới hạn ở mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, sự mất mát này có thể giảm xuống còn 25%, nhưng kìm chế sự nóng lên trong khoảng 1.5 độ C, chúng ta có thể bảo vệ động vật hoang dã hơn nhiều hơn nữa"
Ngọc Hà (dịch từ PressTV)