Theo nhận định của ngân hàng Thế giới (WB), sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng như dầu mỏ, than đá – hai trong số những thủ phạm chính gây nên ô nhiễm môi trường đang giảm dần.
Mức độ sử dụng than sẽ giảm mạnh trong tương lai. Ảnh: CNBC
Phát biểu trước báo giới, các chuyên gia năng lượng thuộc WB cho biết: “Trong vòng 10 đến 12 năm nữa, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường của các nguồn năng lượng tái tạo và dự trữ. Cùng lúc đó, việc sử dụng than sẽ giảm đáng kể trong vòng 30 năm tới”.
Bất chấp mức độ tiêu thụ than vẫn còn tương đối cao, một số quốc gia trên thế giới đang dần chuyển mình theo hướng phát triển chống ô nhiễm môi trường. Cụ thể, khu vực châu Âu – đặc biệt là Đức đã và đang tăng cường vốn đầu tư vào công tác phát triển năng lượng gió trong suốt 1 thập kỷ vừa qua. Gần đây nhất, tòa án Đức tuyên bố các thành phố có quyền cấm toàn bộ hoạt động của các phương tiện chạy bằng diesel gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo vẫn là một kế hoạch tốn kém đối với nhiều quốc gia, ban ngành. Song chi phí có thể giảm đi đáng kể ngay khi xu hướng này được áp dụng rộng rãi. Điều này được nhìn nhận rõ nhất khi giá bán của các sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời được ghi nhận là giảm từ 8-10%/năm.
“Vấn đề lớn nhất không phải là giá cả. Trên cương vị một chính phủ, điều quan trọng là bạn muốn thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mới, công nghệ sạch hơn”, hãng tin CNBC dẫn lời khẳng định của Giám đốc Năng lượng của WB Riccardo Puliti cho hay.
Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)