Theo ước tính trung bình mỗi năm, một người dân Jakarta thải khoảng 300 triệu túi nhựa ra môi trường tự nhiên.
Túi nhựa - sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân Jakarta - rất có hại cho môi trường. Ảnh: Jakarta Post
Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, nhất là khi Liên Hiệp Quốc nhận định xốp và nhựa là hai loại chất thải khó phân hủy và có hại cho môi trường nhất thế giới.
Cụ thể, người đứng đầu tổ chức phong trào Người Indonesia giảm sử dụng túi nhựa (GIDKP) Tiza Marfia cho biết: “Con số này là một điều dễ hiểu khi túi nhựa luôn có mặt trong cuộc sống của người dân Jakarta. Trung bình mỗi người thường sử dụng khoảng 3 túi nhựa trong mỗi lần mua sắm của mình”.
Trước tình hình này, Tiza Marfia khẳng định tổ chức GIDKP hoàn toàn ủng hộ việc chính quyền Jakarta nói riêng và giới chức các thành phố khác nói chung nhanh chóng triển khai các biện pháp giới hạn sản xuất và sử dụng túi nhựa trong đời sống hằng ngày. Chuỗi hành động cần được triển khai ngay lập tức để bảo vệ môi trường tự nhiên.
Đi đầu công tác triển khai hành động, GIDKP đã đưa ra phong trào #pay4plastic vào năm 2013 với việc vận động chữ ký của người dân nhằm yêu cầu nhà nước nhanh chóng quản lý mức độ sản xuất và sử dụng túi nhựa. Đến nay, bản kiến nghị đã có khoảng 70.000 chữ ký, tương ứng với 70.000 người thống nhất cùng nhau thay đổi thói quen sống có hại.
Đến năm 2016, chiến dịch không dùng nhựa miễn phí đã được thử nghiệm ở 23 thành phố lớn trên lãnh thổ Indonesia. Theo thống kê, ước tính số lượng nhựa sử dụng trong năm đã giảm đi đáng kể vào khoảng 55% so với cùng kỳ các năm trước.
Trong bối cảnh vấn nạn môi trường đang ngày càng phức tạp, chính quyền và người dân Jakarta tuyên bố sẽ cùng nhau thực hiện chuỗi hành động thay đổi để tạo dựng môi trường sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)